Theo thống kê vừa được đưa ra của hệ thống giám sát virus cơ quan an ninh mạng tại Việt Nam, có tới 22,7% smartphone tại Việt Nam từng bị nhiễm mã độc. Hiện cả nước có hơn 30 ngân hàng với khoảng 1 triệu người đăng ký ngân hàng điện tử, trong đó rất nhiều người sử dụng smartphone để thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, người sử dụng smartphone tại Việt Nam đa số chưa có ý thức trong việc giữ gìn và bảo mật các thông tin của mình.
Với một chiếc điện thoại thông minh, nhỏ gọn, rất nhiều giao dịch thanh toán, chuyển khoản được thực hiện như thanh toán tiền di động hàng tháng, đóng tiền Internet. Nhiều người nghĩ rằng, mật khẩu OTP (one time password), mật khẩu sử dụng một lần là rất an toàn, nhưng theo các chuyên gia, mọi thứ không hẳn là như vậy.
Tại nước ngoài, những ngày qua, hãng Home Depot của Mỹ cũng thông báo: 56 triệu thẻ thanh toán có thể đã bị chiếm đoạt sau vụ việc hệ thống thanh toán của hãng bị tấn công mã độc.
Chuyên gia an ninh mạng giải thích, đã sử dụng OTP rồi mà vẫn có thể bị mất tiền. Đó là do điện thoại của bạn đã bị hacker theo dõi. Thủ đoạn của hacker là cài mã độc vào điện thoại của bạn. Khi bạn nhận mật khẩu OTP để thực hiện một giao dịch thanh toán hay chuyển khoản, thì tin tặc là sẽ “cướp” ngay mật khẩu OTP đó và thực hiện hành vi trộm tiền. Tuy nhiên, người sử dụng sẽ ít để ý mình bị mất tiền hay không nếu như thủ đoạn của tin tặc là mỗi tài khoản, chúng chỉ lấy từ 50.000 -100.000 VND.
Nhìn bình thường, một chiếc máy điện thoại không thể biết là có nhiễm mã độc hay không. Chỉ khi thực hiện các giao dịch bằng điện thoại và bị mất tiền. Người sử dụng mới biết. Do vậy, theo các chuyên gia, người sử dụng cần cập nhật phần mềm bảo vệ điện thoại di động và tuyệt đối không được truy cập vào những đường link lạ.