Thị trường điện thoại và ứng dụng Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 có gì nổi bật?

P.V-Thứ hai, ngày 26/10/2020 20:51 GMT+7

VTV.vn - Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới không chỉ thị phần smartphone tại Việt Nam, trò chơi di động mà còn tới cả thương mại điện tử, quảng cáo di động và thanh toán điện tử.

Theo báo cáo của công ty công nghệ giải trí số Appota Group, trải qua thời kỳ đỉnh dịch, nền kinh tế Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng dương 1,81% trong 6 tháng đầu năm 2020. Đây là một dấu hiệu cực kì tốt nếu so sánh với các quốc gia khác trong châu Á.

Bên cạnh đó là sự phát triển vượt trội về mặt hạ tầng công nghệ thông tin. Việt Nam có tốc độ Internet xếp thứ 4 trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, tốc độ Internet trên điện thoại di động tại Việt Nam xếp thứ 2, chỉ sau Thái Lan.

Về thị trường di động, tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động chiếm đến 70% dân số, trong đó, tỷ lệ người sử dụng smartphone chiếm hơn 45%, xếp hạng thứ 15 trên thế giới. Nhờ hạ tầng kết nối phát triển, Việt Nam đã trở thành thị trường “mobile-first” và “ưu tiên smartphone” khi đây là thiết bị kết nối Internet chính thay vì PC/Laptop hay TV, máy tính bảng.

Tác động của COVID-19 khiến người dân dành nhiều thời gian với Internet và trò chơi di động

Do quy định về giãn cách trong thời điểm dịch bệnh, người dân hầu hết dành thời gian ở nhà và điều này đã khiến chơi game trở thành hình thức giải trí phổ biến. Đặc biệt tại Việt Nam, các tựa game di động miễn phí vẫn chiếm tỷ lệ cao, điều này khiến trò chơi di động dễ dàng tiếp cận và thu hút được rất nhiều người chơi mới vào thời gian giãn cách xã hội. Cụ thể, trong quý I năm 2020, lượt tải về tăng 40% so với cùng kỳ, số lượng người chơi cũng gia tăng khoảng 30%.

Cùng với đó, livestream nội dung game và eSport cũng tăng trưởng dựa theo nhu cầu chơi game. Tại Việt Nam, có 52% số người theo dõi các bộ môn eSport và các tựa game họ không hề chơi. Điều đó chứng tỏ lượng khán giả xem livestream game còn lớn hơn số người thực sự chơi rất nhiều.

Quảng cáo di động tại Việt Nam hiệu quả hơn mức trung bình trên toàn cầu

Dưới tác động của đại dịch COVID-19, xu hướng quảng cáo chung là tăng cường và tập trung vào kênh digital để phù hợp với việc người tiêu dùng đang sử dụng các phương tiện kỹ thuật số nhiều hơn trong thời điểm đại dịch. Trung bình, mỗi ứng dụng Việt Nam đạt 256.290 lượt tải về - cao hơn so với toàn cầu là 154.794 lượt.

Tại Việt Nam, giá CPI rất thấp và đang có dấu hiệu giảm dần. Dưới tác động của COVID-19, nhu cầu sử dụng và tải các ứng dụng smartphone vẫn đang gia tăng mạnh mẽ. Vì vậy, có thể nói đây chính là thời điểm vàng cho các nhà phát triển ứng dụng đưa sản phẩm của mình tới tập khách hàng Việt.

Đồng thời, Reward Video (quảng cáo video tặng thưởng) là định dạng quảng cáo nổi bật nhất trong mùa dịch, đặc biệt với ứng dụng game trên Android. Mục tiêu quảng cáo trong giai đoạn này cũng thay đổi, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào việc tạo ra doanh thu thật nhanh để bù đắp các tổn thất tài chính do dịch bệnh gây ra.

Thanh toán điện tử “bùng nổ” trong năm 2020

Do quy định về giãn cách, nhu cầu mua sắm online tăng trưởng mạnh mẽ. Các nhà bán lẻ cũng chuyển dịch từ kênh truyền thống sang kênh bán online. Đây là tiền đề cho sự bùng nổ của thị trường thanh toán điện tử. Đỉnh điểm, thời điểm trong thời gian giãn cách xã hội, số giao dịch qua e-banking trong tháng 4 tăng từ 15 đến 30 triệu giao dịch/ngày.

Đặc biệt, các ví điện tử cũng tăng theo xu hướng thanh toán không tiền mặt. Cụ thể, ví MoMo đạt mức tăng trưởng ở quý II là 50% so với quý I, ví ZaloPay và Nganluong.vn cũng tăng lần lượt là 36% và 30% so với quý I. Theo khảo sát, người dùng vẫn sẵn sàng dùng ví ngay cả khi không có khuyến mãi.

Thương mại điện tử livestream trở thành xu hướng trong đại dịch

So với cách mua sắm thông thưởng, đây là hình thức rất dễ “chốt sale” nhờ tính tương tác với khách hàng cao hơn rất nhiều, đặc biệt là khi người tiêu dùng phải ở nhà do quy định về giãn cách.

Các sàn TMĐT tại Việt Nam cũng đã nhanh chóng bổ sung và đẩy mạnh hoạt động của tính năng này như Shopee Live, Lazada Live. Cụ thể, trong tháng 4, tại Đông Nam Á, Shopee đạt 35 triệu lượt xem, Lazada cũng có số người xem đạt đến 27 triệu lượt xem. Shopee Live và Tiki Live ngoài việc cho phép các thương nhân tự phát livestream bán hàng còn tự tổ chức các nội dung minigame, khuyến mãi kết hợp với các nghệ sĩ nổi tiếng làm host chương trình nên thu hút rất nhiều lượt tương tác. Sendo hợp tác với OTA Network (Mạng lưới quản lí KOL) để tổ chức chương trình livestream, nơi các streamer, KOL nổi tiếng “thi đấu” nhằm giành lấy deal khuyến mãi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước