Bạn có chắc chắn rằng, những tin nhắn thân mật riêng tư giữa bạn và người thân bạn bè chỉ gói gọn trong hai chiếc điện thoại của bạn và người đó không? Nếu vậy, bạn nên nghĩ lại.
Anh Tom Ritter là nhân viên tư vấn an ninh mạng tại tập đoàn ISEC, có khả năng nắm được nội dung toàn bộ các cuộc gọi và tin nhắn trên bất kì máy điện thoại nào, chỉ cần chút kiến thức tin học cơ bản và một thiết bị có tên là Femtocell.
Tom Ritter nói: “Thiết bị này được dùng chủ yếu để củng cố sóng điện thoại, đặc biệt ở những nơi sóng yếu. Tuy nhiên, tin tặc hoàn toàn có thể đột nhập vào hệ thống của thiết bị để ăn cắp thông tin phát đi từ các tài khoản điện thoại kết nối với thiết bị này”.
Đối với các cuộc gọi thì sao, máy tính cá nhân của anh Tom cũng bắt được toàn bộ cuộc hội thoại với thiết bị Femtocell. Thiết bị này có giá vài trăm USD và đến năm nay ước tính đã có khoảng 50 triệu thiết bị này trên toàn thế giới.
Không chỉ người dùng điện thoại di động mới là nạn nhân của những kẻ đánh cắp thông tin cá nhân. Trang mạng xã hội Facebook cũng đang là một mối đe dọa tiềm tàng vì làm sao bạn biết được những tài khoản lạ đang đòi kết nối với bạn không phải là một tài khoản giả mạo, được dựng nên để lấy cắp những thông tin cá nhân trên chính trang Facebook của bạn.
Để kiểm chứng, một công ty tin học ở Australia đã thử lập một tài khoản có ảnh đại diện là một chú ếch và kết bạn một cách ngẫu nhiên trên Facebook. Kết quả, gần một nửa số người kết bạn với chú ếch này đã chia sẻ hết những thông tin cá nhân như ngày sinh, địa chỉ email, địa chỉ nhà, hay thậm chí là cả số điện thoại.
Thí nghiệm này kết luận: Nếu cứ thản nhiên chấp nhận những lời mời kết nối trên Facebook và không hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân, cái giá bạn phải trả có thể sẽ rất đắt.