Jon Callas, nhà đồng sáng lập của Silent Circle – công ty đang phát hành ứng dụng mã hóa cho phép bảo mật các cuộc gọi và tin nhắn của người dùng, cho biết, hàng loạt những tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden năm ngoái là một cú thúc rất lớn đối với lĩnh vực kinh doanh này.
Ông Jon Callas nói: “Có một sự tăng trưởng mạnh trong số lượng người sử dụng dịch vụ của Silent Circle sau những tiết lộ của Snowden. 75% tới 80% tổng doanh số của chúng tôi tới từ bên ngoài Bắc Mỹ và Đức là thị trường lớn nhất”.
Không đâu khác trên toàn thế giới mà thị trường bảo mật đang nóng như tại nước Đức. Lô hàng điện thoại di động bảo mật thông minh của Silent Circle được bán hết ngay trong lần đầu tiên ra mắt và họ đang có kế hoạch bán thêm 10 triệu chiếc trong vòng 3 năm tới.
Silent Circle chỉ là một trong số các công ty đang hưởng lợi từ các khách hàng muốn bảo vệ thông tin của họ khỏi những hoạt động tình báo của Chính phủ. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường về bảo mật thông tin, hàng loạt các hãng khác như Deutsche Telekom (được biết tới với nhãn hiệu T-Mobile tại Mỹ) hay Vodafone tại Anh cũng đã cho ra mắt các ứng dụng bảo mật có khả năng mã hóa dữ liệu và lời thoại dành cho smartphone.
Ông Reinhard Clemens, Hội đồng quản trị Deutsche Telekom cho biết: “Nếu không có vụ bê bối liên quan đến cơ quan An ninh quốc gia Mỹ, tất cả mọi thứ đã không xảy ra. Đó là chiến dịch marketing tuyệt nhất mà chúng tôi từng có”.
Thú vị hơn, những tiết lộ liên quan đến hoạt động tình báo của cơ quan An ninh quốc gia Mỹ không chỉ kích thích tăng trưởng đối với thị trường bảo mật mà nó cũng tạo một cú hích trong xu hướng hoài cổ. Theo tờ báo kinh doanh Wirtschaftswoche, doanh số bán hàng của máy đánh chữ bất ngờ tăng.
Nhiều công ty của Đức muốn các bí mật thương mại của họ được bảo mật tuyệt đối có vẻ như đã lựa chọn máy đánh chữ thay vì các sản phẩm công nghệ cao khác.