Tiến triển đàm phán thương mại điện tử toàn cầu

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 22/12/2023 17:19 GMT+7

VTV.vn - Các cuộc đàm phán tại Tổ chức Thương mại thế giới nhằm xây dựng các quy tắc toàn cầu về thương mại điện tử đang đạt tiến triển lớn, dự kiến sẽ chính thức kết thúc năm tới.

Các cuộc đàm phán tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm xây dựng các quy tắc toàn cầu về thương mại điện tử đang đạt tiến triển lớn và dự kiến sẽ chính thức kết thúc vào năm tới.

Các cuộc đàm phán đạt tiến triển trên 3 lĩnh vực chính gồm tạo thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số, môi trường kỹ thuật số mở và niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các vấn đề như xác thực điện tử và chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử và giao dịch không cần giấy tờ, bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến, bảo vệ dữ liệu cá nhân và an ninh mạng đã được giải quyết.

Đàm phán về thương mại điện tử toàn cầu được khởi động vào năm 2019, với sự tham gia của khoảng 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện cho 90% số thành viên của WTO. Mục đích là để xây dựng bộ quy tắc thương mại kỹ thuật số toàn cầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch điện tử cũng như thúc đẩy thương mại số và kinh tế số.

TS. Ngozi Okonjo-Iweala - Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - cho biết: "Sáng kiến về thương mại điện tử của WTO mang đến cơ hội cho các nước thành viên thiết lập các quy tắc chung toàn cầu nhằm nâng cao sự ổn định, khả năng dự đoán và giảm chi phí cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại xuyên biên giới đang phát triển nhanh chóng".

Ông Valdis Dombrovskis - Ủy viên Thương mại EU - cho rằng: "Sự đồng thuận về một loạt quy tắc thương mại kỹ thuật số tại WTO sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số, đặc biệt đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đồng thời giúp thúc đẩy chuyển đổi số".

Bà Katherine Tai - Đại diện Thương mại Mỹ - cho biết: "Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận mang lại lợi ích cho người lao động, doanh nghiệp, chính phủ và người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ".

Ông Vương Văn Đào - Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc - cho rằng: "Thế giới đã đạt được sự đồng thuận trong việc thúc đẩy phát triển thương mại xanh và kỹ thuật số. Thương mại kỹ thuật số là động lực mới cho tăng trưởng thương mại toàn cầu trong thế kỷ 21".

Tiến triển đàm phán thương mại điện tử toàn cầu - Ảnh 1.

Ước tính 2/3 dân số thế giới đã tiếp cận với Internet. Thương mại kỹ thuật số chiếm tới một phần tư tổng thương mại toàn cầu, đạt gần 5 nghìn tỷ USD, và vẫn đang tăng trưởng với tốc độ rất nhanh.

Hình thức kinh doanh trực tuyến bùng nổ đã thu hút số lượng lớn khách hàng, với quy mô và phạm vi rộng lớn, khiến nhiều người lo sợ đây là mối đe dọa đối với các cửa hàng truyền thống. Tuy nhiên, các nghiên cứu thị trường đã chỉ ra rằng, thương mại trực tuyến kết hợp với cửa hàng truyền thống là một mô hình ưu việt, đáp ứng nhu cầu khách hàng và cải thiện trải nghiệm mua sắm.

Kết hợp thương mại trực tuyến và ngoại tuyến

Với sự bùng nổ của thương mại trực tuyến, nhiều doanh nghiệp thậm chí tin rằng các cửa hàng thực tế đang trở nên lỗi thời. Nhưng theo một nghiên cứu mới đây của Đại học Indiana, Mỹ, các cửa hàng thực tế có thể mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp thương mại điện tử.

Các doanh nghiệp chỉ bán hàng trực tuyến thường phải đối mặt với tỷ lệ trả hàng và đòi hoàn tiền cao, do khách hàng không thể trực tiếp trải nghiệm sản phẩm trước khi đặt mua. Việc duy trì các phòng trưng bày sản phẩm có thể giúp cải thiện trải nghiệm khách hàng, gia tăng mức độ hài lòng khi mua sắm trực tuyến.

PGS. Fei Gao từ Trường Kinh doanh Kelley, Đại học Indiana, Mỹ cho biết: "Các phòng trưng bày sản phẩm không phải là nơi bán hàng, mà là nơi khách hàng có thể đến sờ và cảm nhận sản phẩm trước khi mua sắm trực tuyến. Các phòng trưng bày có thể cải thiện sự hài lòng của khách hàng đối với thời gian giao hàng, bằng cách cung cấp cho họ những thông tin trực quan hơn về sản phẩm, giảm bớt sự không chắc chắn. Sau khi đã đến phòng trưng bày, khi trở về mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng sẽ dễ dàng hơn trong việc chấp nhận thời gian giao hàng kéo dài".

Nắm bắt được tâm lý khách hàng, nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ Amazon cố gắng kết hợp trải nghiệm mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến, với chuỗi cửa hàng thời trang ứng dụng công nghệ cao.

Các sản phẩm trưng bày chỉ có 1 màu sắc và kích cỡ để tiết kiệm không gian nhưng khách hàng có thể quét mã QR, lựa chọn kích cỡ và màu sắc mong muốn, rồi nhấn nút giao đồ đến phòng thử đồ. Khách hàng có thể tiếp tục chọn lựa sản phẩm trên màn hình cảm ứng trong phòng thử đồ như khi mua sắm trực tuyến. Các nhân viên sẽ lấy sản phẩm từ kho và chuyển tới tủ bảo mật của phòng thử đồ. Nhờ vậy, khách hàng không phải đi hết các giá hàng để lựa chọn đồ mình thích và cũng không phải rời khỏi phòng thử đồ trong quá trình mua sắm.

Bà Simoina Vasen - Phó Chủ tịch Công ty Amazon Style - cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng khách hàng nên có lựa chọn về việc mua sắm khi nào, ở đâu và như thế nào. Chúng tôi biết họ thích mua sắm trực tuyến, và họ cũng thích mua sắm ngoại tuyến. Vậy nên các cửa hàng thực tế của chúng tôi cung cấp cho họ những sự lựa chọn".

Việc áp dụng mô hình kinh doanh kết hợp các kênh bán hàng trực tuyến với các cửa hàng truyền thống đã giúp các doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận khách hàng, đem đến cho họ những trải nghiệm phong phú hơn, giải quyết được những lo ngại khi mua sắm trực tuyến, qua đó giúp tăng độ tin cậy đối với thương hiệu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước