Tôi là tương lai: Chuyển đổi số - Chìa khóa để Việt Nam bứt phá

Ban Khoa giáo-Thứ sáu, ngày 08/01/2021 19:48 GMT+7

VTV.vn - 2020 là một năm đầy biến động, đặc biệt khi đây là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia với sự chung tay hành động của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số và người dùng.

Câu chuyện chuyển đổi số của người dân vùng cao

Lên các trang web nước ngoài để quảng bá, giới thiệu dịch vụ du lịch của mình, chăm sóc khách hàng trên các mạng xã hội... đã trở thành những công việc hàng ngày của những người dân vùng cao. Giờ đây, Internet đã tới tận miền núi cao xa xôi và được người dân sử dụng để quản lý các mô hình kinh doanh của mình.

Sự thay đổi trong cuộc sống, trong cách làm du lịch của những người dân vùng cao khi họ biết ứng dụng Internet vào kinh doanh đã khiến đời sống có nhiều đổi thay. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp lan tỏa những giá trị văn hóa có từ lâu đời. Thông qua mạng xã hội, họ có thể livestream giới thiệu sản phẩm, dịch vụ trực tiếp cho nhiều du khách trong nước và quốc tế, thu hút một lượng lớn khách du lịch mỗi năm.

Tôi là tương lai: Chuyển đổi số - Chìa khóa để Việt Nam bứt phá - Ảnh 1.

Mạng Internet đã tới tận miền núi cao xa xôi

Là một trong những địa phương khó khăn về điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã xác định việc chuyển đổi số, ứng dụng CNTT là khâu đột phá của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, đây là nhiệm vụ trọng tâm, thu hút đầu tư, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, biến những khó khăn của Hà Giang thành cơ hội phát triển. Việc ứng dụng CNTT đã giúp quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Hà Giang tới du khách trong nước và quốc tế.

Tôi là tương lai: Chuyển đổi số - Chìa khóa để Việt Nam bứt phá - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang

Đến nay, hầu hết các huyện, thành phố, xã, phường và thị trấn tại Hà Giang đã có cáp quang đến trung tâm. Cùng với đó, hệ thống hội nghị trực tuyến cơ quan Đảng, chính quyền của tỉnh đã kết nối với các cơ quan Trung ương. Hiện tại, Hà Giang đã có bước tiến vượt bậc về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT.

Nhìn lại hành trình phổ cập Internet tại Việt Nam

Internet đã phát triển mạnh mẽ, phủ rộng và phổ biến trên khắp lãnh thổ, từ thành thị tới nông thôn, miền núi và hải đảo. Từ 205.000 người dùng trong thời kỳ đầu của Internet quay số qua mạng điện thoại công cộng tại Việt Nam, đến năm 2020, con số đó đã lên tới gần 70 triệu người dùng và hơn 145 triệu thiết bị di động được kết nối với Internet.

Để có thể đạt được con số ấn tượng này, không thể không nhắc tới công sức của những người đã đặt "viên gạch" đầu tiên cho Internet tại Việt Nam cách đây hơn 2 thập kỷ. Mỗi lần nhắc đến câu chuyện về hành trình phổ cập Internet tại Việt Nam, Tiến sĩ Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông vẫn không giấu được vẻ xúc động. Ông là một trong những người mở đường và cũng là người có ảnh hưởng lớn cho sự bùng nổ Internet hiện nay tại Việt Nam.

Tôi là tương lai: Chuyển đổi số - Chìa khóa để Việt Nam bứt phá - Ảnh 3.

Tiến sĩ Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông

Theo Tiến sĩ Mai Liêm Trực, do những điều kiện lịch sử về phong kiến, thuộc địa và chiến tranh, Việt Nam đã bỏ lỡ các cuộc cách mạng công nghiệp trước. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 lại như một cơ hội để dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam bứt phá. Sau hơn 20 năm vào Việt Nam, Internet đã tạo nên sự thay đổi lớn trong mọi lĩnh vực đời sống, từ làm việc, học hành cho tới vui chơi, giải trí. Tiến sĩ Mai Liêm Trực dự đoán, trong 15 - 20 năm tới, những công nghệ về trí tuệ nhân tạo, IoT, Big data... chắc chắn sẽ biến đổi rất nhanh, tạo ra những cơ hội lớn để thay đổi cuộc sống của người dùng Việt Nam.

Để thực hiện công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ, theo Tiến sĩ Mai Liêm Trực, cần có sự phối hợp giữa 3 chủ thể gồm: con người, thể chế - cơ chế và công nghệ. Dường như bước ngoặt lịch sử đang đặt lên vai những nhà lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo các doanh nghiệp và thế hệ trẻ, như một sứ mệnh để tận dụng cơ hội, đạt được khát vọng hùng cường của dân tộc.

Những thành tựu về chuyển đổi số tại Việt Nam trong năm 2020

Những cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử được ví như những chuyến tàu. Nếu như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất là chuyến tàu cơ khí hóa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai là chuyến tàu điện khí hóa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba là chuyến tàu tự động hóa thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là chuyến tàu thông minh hóa.

Nếu coi chuyển đổi số là một cơ thể sống thì trí tuệ nhân tạo (AI) chính là bộ não, mạng Internet kết nối vạn vật (IoT) là các giác quan, dữ liệu lớn (Big data) là huyết mạch, công nghệ điện toán đám mây (Cloud) là cơ bắp.

Tôi là tương lai: Chuyển đổi số - Chìa khóa để Việt Nam bứt phá - Ảnh 4.

Nhiều thành tựu về công nghệ đã đạt được trong năm 2020

Trong năm 2020, cả thế giới chao đảo vì đại dịch COVID-19, đời sống xã hội bị thay đổi, kinh tế thiệt hại nặng nề chưa từng có. Bên cạnh những tác động xấu của dịch bệnh, ở một khía cạnh tích cực hơn, COVID-19 đã trở thành "chất xúc tác" thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn.

Tại Việt Nam, COVID-19 đã tạo ra cú hích mạnh mẽ, đặc biệt là đối với hoạt động kinh tế, thương mại, giáo dục, hành chính, giao thông vận tải... Minh chứng là số doanh nghiệp công nghệ mới xuất hiện đạt tới gần 13.000 doanh nghiệp, tương đương với 28% của 30 năm qua. Kết quả này có được sau gần 1 năm ra đời Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghệ.

Sau 1 năm, "Make in Vietnam" không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành kim chỉ nam cho hành động của cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ số. Các doanh nghiệp lớn đều lần lượt chuyển đổi mô hình, tiếp cận và làm chủ các công nghệ lõi. Ngay trong năm 2020, các doanh nghiệp Việt Nam đã dần làm chủ công nghệ mới nhất trên thế giới như 5G, Big data, AI...

"Chúng ta không tham vọng thay tất cả các tập đoàn khổng lồ trên thế giới làm tất cả các công nghệ nền tảng, quan trọng nhất là chúng ta dùng, chúng ta làm chủ và chúng ta có giải pháp của mình"

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Tôi là tương lai: Chuyển đổi số - Chìa khóa để Việt Nam bứt phá - Ảnh 6.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Ảnh: TTXVN)

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cộng đồng doanh nghiệp số và tất cả người dân Việt Nam cần phải cùng chung tay, cùng chia sẻ để đi nhanh, đi xa trên con đường chuyển đổi số.

Là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia, năm 2020 đánh dấu bằng việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Bên cạnh cơ chế chính sách được hình thành, khái niệm chuyển đổi số đã và đang trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống. Dự kiến, đến đầu năm 2021, các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước sẽ công bố kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của đơn vị mình.

Có thể nói, chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Điều này đồng nghĩa với việc công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, an toàn, giá thành rẻ, dễ sử dụng và mang lại những tiện ích cho mọi người.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước