TP.HCM sẽ khuyến khích phát triển 29 loại sản phẩm điện tử - viễn thông - CNTT để tạo ra những sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh minh họa.
Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM vừa phối hợp các sở, ngành liên quan đề xuất danh sách 77 sản phẩm công nghệ cao theo Chương trình phát triển các sản phẩm trọng điểm của TP thuộc lĩnh vực công nghệ cao được Nhà nước khuyến khích đến năm 2020. Trong đó, có tổng cộng 29 sản phẩm công nghệ cao thuộc lĩnh vực điện tử - viễn thông - CNTT. Những sản phẩm còn lại thuộc các lĩnh vực cơ khí chế tạo, tự động hóa, hóa dược - nhựa - cao su, chế biến lương thực - thực phẩm, công nghệ sinh học, vật liệu, năng lượng.
Sở Khoa học Công nghệ đang tiến hành khảo sát, thu thập thông tin từ các doanh nghiệp để nắm bắt hiện trạng phát triển của các sản phẩm công nghệ cao thuộc diện được khuyến khích phát triển đến năm 2020. Từ đó, xây dựng các chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm; góp phần tạo ra những sản phẩm công nghệ cao đạt tiêu chuẩn quốc tế, thay thế hàng ngoại nhập và tăng cường xuất khẩu.
13 sản phẩm thuộc lĩnh vực CNTT: Thiết bị đảm bảo an ninh, an toàn và bí mật thông tin mức độ cao; Thiết bị giám sát thông minh; Giao diện máy tính và thiết bị di động bằng ngôn ngữ tiếng Việt; Hệ dịch tự động văn bản đa ngôn ngữ; Phần mềm và thiết bị nhận dạng chữ viết, hình ảnh và âm thanh, cử chỉ, chuyển động, ý nghĩ; Phần mềm nền tảng chuyên dụng cho đo lường và điều khiển; Hệ thống ứng dụng công nghệ GPS và GIS trong công tác quản lý; Phần mềm và thiết bị để nhận biết âm thanh; Phần mềm, thiết bị nhận dạng và phân tích hình ảnh; Phát triển các phần mềm ứng dụng sử dụng công nghệ NFC cho các thiết bị di động để thay thế/bổ sung/tích hợp bằng điện thoại di động hoặc thẻ đa năng (chứng minh thư, thẻ tín dụng ngân hàng, bằng lái xe, thẻ sinh viên, thẻ du lịch, vé điện tử, thẻ bảo hiểm y tế, chìa khóa điện tử,...); Phát triển hệ thống kiểm tra và thanh toán phí giao thông đường bộ cho hệ thống đường bộ quốc gia và TP.HCM; Hệ thống khai thác thông tin thông minh (BI); Hệ thống phần mềm nền tảng (platform) cho phát triển các ứng dụng.
7 sản phẩm thuộc lĩnh vực viễn thông: Thẻ thông minh và đầu đọc thẻ; Cáp quang và các loại cáp viễn thông; Các thiết bị radar xuyên đất ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau; Sản xuất thẻ (sim card) và tem (vignette) sử dụng công nghệ NFC cho các thiết bị như điện thoại di động, các loại máy móc ứng dụng công nghệ NFC; Thiết bị đầu cuối viễn thông (điện thoại di động, điện thoại bàn,...), các loại phụ kiện cho tổng đài và 1 số hệ thống viễn thông, đầu cuối vệ tinh; Thiết bị truyền dẫn, chuyển mạch; Thiết kế và tối ưu hóa các mạng lưới và hệ thống viễn thông trong hạ tầng viễn thông quốc gia.
9 sản phẩm thuộc lĩnh vực điện tử: Mạch in nhiều lớp (công nghệ SMT); Bảng mạch điện và bảng điều khiển thế hệ mới (SCADA); Mạch tích hợp điện tử và các vi lắp ráp; Hệ thống vi cơ điện tử (MEMS), hệ thống nano cơ điện tử (NEMS) và thiết bị sử dụng hệ thống vi cơ điện tử, hệ thống nano cơ điện tử; Thiết bị in thẻ RFID và thiết bị đọc thẻ RFID; Chip chuyên dụng cho các cơ cấu đo lường, chấp hành và bộ điều khiển, cảm biến và cơ cấu chấp hành thông minh; Đèn LED ứng dụng trong chiếu sang, công nghiệp ô tô, xe máy, tín hiệu giao thông, các màn hình quảng cáo, trang trí; Các loại thiết bị điện tử trong quản lý giao thông, năng lượng, môi trường; Các loại cảm biến áp suất, gia tốc, quang, dao động, linh kiện vi điện tử.