Trào lưu chỉnh sửa ảnh anime tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn thông tin

Phi Long-Thứ tư, ngày 06/09/2023 21:07 GMT+7

VTV.vn - Đó là kết luận của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông về ứng dụng cho phép chỉnh sửa ảnh theo phong cách anime đang gây sốt trên các nền tảng mạng xã hội.

Thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội đang tràn ngập những ảnh chân dung và phong cảnh được chỉnh sửa theo phong cách anime - hoạt hình Nhật Bản. Người dùng chỉ cần cài đặt ứng dụng trên điện thoại, truy cập và tải ảnh lên, chỉ chưa đầy 30 giây xử lý là một bức ảnh hoạt hình sinh động đã được tạo thành. Với cách làm đơn giản và thành phẩm hấp dẫn, những bức ảnh hoạt hình đã trở thành trào lưu trên các nền tảng mạng xã hội.

Trào lưu chỉnh sửa ảnh anime tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn thông tin - Ảnh 1.

Trào lưu chỉnh sửa ảnh anime đang gây sốt trên các mạng xã hội

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Khiêm - đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trào lưu chỉnh sửa ảnh anime tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về an toàn thông tin. Đây là kết luận được đưa ra sau khi các chuyên gia của Cục An toàn thông tin tiến hành nghiên cứu về ứng dụng chỉnh sửa ảnh gây sốt này.

Trào lưu chỉnh sửa ảnh anime tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn thông tin - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Duy Khiêm - đại diện Cục An toàn thông tin - phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ Thông tin và Truyền thông

"Ngoài việc yêu cầu người dùng cung cấp hình ảnh, ứng dụng còn yêu cầu quyền truy cập vào camera và một số quyền khác, trên cơ sở đó cung cấp thông tin về khuôn mặt, hình dáng và các thông tin khác của người dùng như địa chỉ email, số điện thoại... Từ đó, nhà cung cấp dịch vụ sẽ thu thập thông tin và xử lý thông tin cá nhân của người dùng với nhiều mục đích khác nhau" - ông Nguyễn Duy Khiêm cho biết.

Hiện nay, công nghệ thanh toán xác thực khuôn mặt đang dần phổ biến. Theo đại diện Cục An toàn thông tin, kẻ xấu hoàn toàn có thể lợi dụng thông tin, hình ảnh thu được từ người dùng để đánh cắp tài khoản cá nhân.

Một trong những hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay chính là sử dụng cuộc gọi video deepfake. Tận dụng sự tiến bộ của khoa học công nghệ, nhiều đối tượng đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến.

Trước nguy cơ tiềm ẩn rủi ro của trào lưu chỉnh sửa ảnh anime, đại diện Cục An toàn thông tin đã đưa ra một số khuyến cáo dành cho người dùng:

- Hạn chế chia sẻ hình ảnh, thông tin, dữ liệu cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội.

- Chọn lọc và sử dụng các phương thức uy tín - các ứng dụng được cơ quan có thẩm quyền đánh giá.

- Đọc kỹ các điều khoản, yêu cầu trước khi cài đặt và sử dụng ứng dụng.

- Không cung cấp những hình ảnh nhạy cảm, riêng tư cho ứng dụng.

- Trước khi cài đặt bất cứ ứng dụng nào, cần xem xét những quyền mà ứng dụng yêu cầu được truy cập.

Trong thời gian qua, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra một số biện pháp, tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng.

Người dân cần làm gì khi bị lừa đảo trực tuyến? Người dân cần làm gì khi bị lừa đảo trực tuyến?

VTV.vn - Nếu bạn đã bị lừa đảo, hãy dừng việc gửi tiền, chặn tất cả các liên lạc từ kẻ lừa đảo, liên hệ ngay lập tức với ngân hàng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an...


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước