Theo CNSA, các thiết bị dùng cho Hằng Nga 6 đã được vận chuyển đến sân bay vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam. Các cuộc thử nghiệm trước khi phóng sẽ được tiến hành như dự kiến. Hiện các cơ sở tại sân bay vũ trụ trong tình trạng tốt và công tác chuẩn bị đang được tiến hành như kế hoạch.
Hằng Nga 6 là phần đầu trong dự án hợp tác với Nga để thiết lập Trạm nghiên cứu mặt trăng quốc tế. Vùng tối của mặt trăng không bao giờ quay về phía Trái đất, do đó, tàu Hằng Nga 6 sẽ cần vệ tinh chuyển tiếp để liên lạc với Trái đất.
Năm ngoái, CNSA cho biết, dự kiến tàu Hằng Nga 6 sẽ hạ cánh ở khu vực có bồn địa Nam Cực-Aitken, một hố va chạm khổng lồ ở mặt phía xa của mặt trăng với đường kính 2.500 km. Sau khi hạ cánh, tàu có nhiệm vụ khám phá và thu thập các mẫu đất đá từ nhiều khu vực để phục vụ các nghiên cứu về mặt trăng.
Trong gần 10 năm qua, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành công lớn trong việc nghiên cứu, thăm dò mặt trăng. Năm 2013, robot Thỏ Ngọc của tàu Hằng Nga 3 hạ cánh xuống mặt trăng, trở thành robot đầu tiên của Trung Quốc làm được điều này. Năm 2018, Trung Quốc phóng tàu Hằng Nga 4, mang theo robot tự hành Thỏ Ngọc 2. Đến năm 2019, Thỏ Ngọc 2 hạ cánh thành công xuống vùng tối của mặt trăng, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới làm được điều này.
Năm 2020, tàu Hằng Nga 5 đáp xuống mặt trăng và lấy mẫu đất đá mang về Trái đất. Đây được xem là một trong những sứ mệnh khó khăn và phức tạp nhất trong lịch sử ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc, đồng thời cũng là sứ mệnh thu thập mẫu vật từ mặt trăng đầu tiên trong hơn 40 năm qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!