Kể từ đầu năm nay, sự phát triển của các mô hình nền tảng AI đã hỗ trợ kỹ thuật để ứng dụng robot hình người trong các ngành công nghiệp. Ngày càng có nhiều nhà phát triển robot sử dụng mô hình nền tảng AI để điều khiển robot thông minh.
MIIT cho biết, Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2025 có một số doanh nghiệp vừa và nhỏ có công nghệ tiên tiến và chuyên về thị trường robot hình người, cùng 2 - 3 công ty phát triển robot loại này có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Ngoài ra, nước này cũng đặt mục tiêu đến năm 2027 có một chuỗi cung ứng công nghiệp an toàn và đáng tin cậy, đồng thời các sản phẩm robot hình người sẽ được tích hợp sâu vào nền kinh tế thực.
Theo MIIT, Trung Quốc sẽ nỗ lực hợp nhất sản xuất các linh kiện cơ bản và thúc đẩy đổi mới phần mềm về phát triển sản phẩm.
Robot có hình dáng giống con người, tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sản xuất cao cấp và vật liệu mới, được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm đột phá tiếp theo sau máy tính, điện thoại thông minh và thiết bị sử dụng năng lượng mới. Theo MIIT, với tiềm năng phát triển lớn và triển vọng ứng dụng rộng rãi, robot hình người được coi là một hướng đi mới của các ngành công nghiệp tương lai.
MIIT nhận định Trung Quốc có nền tảng để phát triển ngành robot dáng người nhưng nước này vẫn cần tăng cường huy động nguồn lực và thúc đẩy đổi mới trong các công nghệ quan trọng.
Tại Hội nghị Robot thế giới (WRC) năm 2023 khai mạc vào tháng 8 tại thủ đô Bắc Kinh, nhiều robot trí tuệ nhân tạo mang hình người đã khiến khách tham quan choáng ngợp về khả năng khiêu vũ, chơi bóng rổ, pha cà phê và các khả năng khác. Điều này cho thấy trong tương lai gần, số lượng các robot thông minh phục vụ con người sẽ ngày càng gia tăng.
Sự kiện đã thu hút khoảng 140 nhà sản xuất cùng hơn 600 sản phẩm đến từ Trung Quốc và thế giới tham gia. Những công nghệ mới nhất cũng như xu hướng kinh doanh của ngành robot đều xuất hiện tại hội nghị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!