Công nghệ thực tế ảo tăng cường tạo nên những trải nghiệm học tập đa giác quan (Ảnh: Kartik Mehta)
Trải nghiệm học tập tương tác: Kết nối thực tế và tri thức
Tiết học môn Sinh học ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality - AR) của cô và trò Trường THCS Lê Hồng Phong diễn ra rất sôi nổi. Từ hình ảnh nguồn trên Internet, thông qua ứng dụng AR, một chú cá sấu đã được "mời" vào lớp học, khiến tất cả các em học sinh đều cảm thấy hứng thú, tạo nên một không khí học tập sôi động và tích cực. "Khi học môn Sinh học, cháu có thể thấy được những con vật mà chưa bao giờ được nhìn thấy. Cháu có thể điều khiển con vật theo các chiều khác nhau để có thể sờ được, nhìn được và cảm nhận được nó như thế nào". Đó là những cảm nhận của em Nguyễn Ngọc Yến, học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Lào Cai sau tiết học Sinh học tại trường. Công nghệ AR cho phép các em học sinh không chỉ quan sát mà còn cảm nhận trực tiếp các đặc điểm, cấu tạo và tập tính của loài vật ngay trước mắt và ngay trong không gian lớp học. Trải nghiệm học tập mới lạ này dường như giúp các em học sinh thêm tự tin, chủ động trong thảo luận và phát biểu, dễ dàng lấy ví dụ từ bài học và vận dụng kiến thức vào thực tiễn thông qua sự hướng dẫn của giáo viên.
Cô Hồ Thị Thu Hà, giáo viên Tổ Sinh – Hóa – Địa – Ngoại ngữ Trường THCS Lê Hồng Phong cho biết: "Tôi thấy học sinh hứng thú hơn rất nhiều so với giảng dạy thông thường. Các em chủ động, tích cực hơn trong việc chia sẻ kiến thức, kỹ năng và các phương pháp học tập. Trong quá trình chuẩn bị bài, chúng tôi cũng lựa chọn những nội dung phù hợp với mục tiêu bài học để lồng ghép vào, mang lại chất lượng giảng dạy cao nhất. Tổ chúng tôi liên quan nhiều đến tự nhiên nên tất cả các thành viên đều ứng dụng công nghệ này để dạy học", cô Hà chia sẻ thêm.
Hình ảnh trực quan của các loài động vật được đưa vào giảng dạy (Ảnh: Giáo dục và Thời đại)
Từ năm học 2023 - 2024, Trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Lào Cai đã tiên phong đưa công nghệ AR vào chương trình giảng dạy. Cô Lương Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong chia sẻ: "Công nghệ thực tế ảo có vai trò then chốt trong việc đổi mới phương pháp dạy và học. Thay vì chỉ lắng nghe bài giảng một cách thụ động, các em học sinh giờ đây có thể tương tác trực quan với các đối tượng mà trong thực tế chưa có cơ hội tiếp cận. Điều này giúp các em trải nghiệm bài học chân thực, sinh động và hấp dẫn hơn nhiều so với việc phải tưởng tượng hoặc tìm hiểu thông qua sách vở hoặc Internet".
Để mở rộng ứng dụng AR trong nhiều môn học, Trường THCS Lê Hồng Phong đã tập trung khắc phục những khó khăn về hạ tầng công nghệ và nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên. Nhà trường đã tổ chức các buổi tập huấn, hỗ trợ công nghệ cho giáo viên, đảm bảo ứng dụng công nghệ AR được triển khai đồng bộ trong tất cả các môn học. Thầy Bùi Hồng Sinh, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong nhấn mạnh: "Thời điểm hiện tại, 100% giáo viên trong trường biết ứng dụng tương đối thành thạo nội dung về thực tế ảo và công nghệ thông tin. Năm đầu tiên, nhà trường cũng triển khai tối thiểu 1 học kỳ/giáo viên phải sử dụng phần mềm thực tế ảo vào bộ môn của mình".
Từ năm học 2023 - 2024, Trường THCS Lê Hồng Phong đã áp dụng triển khai mỗi giáo viên phải tích hợp phần mềm thực tế ảo vào môn học của mình trong ít nhất một học kỳ (Ảnh: Giáo dục và Thời đại)
Những tiết học ứng dụng công nghệ AR tại Trường THCS Lê Hồng Phong là chứng minh thiết thực của việc sử dụng công nghệ thông tin, phần mềm thực tế ảo trong tổ chức giảng dạy, phù hợp với mô hình 3-2-1 mà thành phố Lào Cai đang theo đuổi. Trong thời gian tới, trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy, hướng đến việc xây dựng một hệ sinh thái số toàn diện, bao gồm dạy - học, kiểm tra, đánh giá và phát triển kho học liệu số liên kết với ngành giáo dục.
Bước tiến mới trong giáo dục thông minh
Công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) được đánh giá là một trong những xu hướng công nghệ nổi bật trong kỷ nguyên số hóa. Tiềm năng phát triển và ứng dụng của AR không chỉ giới hạn ở lĩnh vực giải trí mà còn mở rộng ra nhiều ngành nghề khác như y tế, kiến trúc, thương mại, và đặc biệt là giáo dục. Tại Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng Internet cùng với đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao đã tạo ra nền tảng vững chắc cho việc nghiên cứu và triển khai AR trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Lĩnh vực giáo dục hứa hẹn sẽ hưởng lợi lớn từ công nghệ này, khi AR không chỉ tăng cường tính tương tác mà còn góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, mang tính cách mạng cho thế hệ học sinh, sinh viên hiện đại.
Công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) mang lại khả năng tích hợp các vật thể ảo vào môi trường thực, tạo nên những trải nghiệm học tập đa giác quan, đồng thời khuyến khích sự tham gia tích cực từ người học. GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh vai trò của những công nghệ tiên tiến như AR trong việc kích thích sự hứng thú và yêu thích của học sinh đối với quá trình học tập. AR không chỉ tái hiện thế giới thực chi tiết và chân thực mà còn giúp chuyển đổi các khái niệm trừu tượng thành sự biểu diễn trực quan, dễ tiếp cận và dễ ghi nhớ hơn. Theo các chuyên gia, tiềm năng của công nghệ này là vô cùng lớn, không chỉ giải quyết vấn đề nhầm lẫn khi chuyển đổi thông tin từ định dạng 2D sang 3D, mà còn cung cấp các mô phỏng sống động, cho phép học sinh, sinh viên khám phá những tình huống mà việc thực nghiệm trong thực tế có thể gặp rủi ro hoặc không khả thi.
Công nghệ thực tế ảo AR cung cấp các mô phỏng sống động, cho người học khám phá những tình huống mà việc thực nghiệm trong thực tế có thể gặp rủi ro hoặc không khả thi (Ảnh: AR Post)
Theo TS. Trần Hoàng Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Mạng thông tin, Giảng viên Khoa Kỹ thuật máy tính, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, việc ứng dụng AR trong một số lĩnh vực giáo dục đã mang lại những trải nghiệm học tập phong phú hơn cho học sinh, đồng thời khơi dậy sự hứng thú mà sách vở truyền thống khó có thể đạt được. Các chuyên gia cũng nhận định rằng việc tích hợp công nghệ vào môi trường giáo dục, bao gồm cả các trò chơi AR, có khả năng nâng cao mức độ tham gia và cải thiện kết quả học tập của học sinh, thúc đẩy khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề của người học hiệu quả.
Ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) trong giáo dục đang trở thành một xu hướng chung mà nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã và đang triển khai, mang lại những kết quả khả quan. Tại Việt Nam, đây cũng được dự báo là một hướng đi tiềm năng. Ông Trần Quang Anh, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông khẳng định, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu của thời đại. Việc tích hợp công nghệ mới vào quy trình giảng dạy và học tập không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với xu hướng toàn cầu. Ông Quang Anh cũng cho biết, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hiện đã hợp tác với Công ty Cổ phần EON Reality Việt Nam nhằm đưa Học viện trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong đào tạo ngành thông tin và truyền thông, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và trí tuệ nhân tạo (AI). Sự hợp tác này không chỉ nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, mà còn giúp Học viện xây dựng một hệ sinh thái học tập hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của giáo dục số.
Thách thức đổi mới của kỷ nguyên giáo dục số
Mặc dù công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) đã mang đến những bước tiến mới trong lĩnh vực giáo dục, nhưng việc ứng dụng nó tại Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức. Theo TS Nguyễn Thị Thanh Tú, Giảng viên Khoa Khoa học & Công nghệ Giáo dục, Đại học Bách khoa Hà Nội, một trong những trở ngại lớn nhất là việc phát triển và áp dụng nội dung AR sao cho hiệu quả trong môi trường học tập. Việc áp dụng này đòi hỏi sự đầu tư không chỉ về tài chính và cơ sở vật chất, mà còn yêu cầu giáo viên nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy và quản lý lớp học, cũng như thay đổi thói quen học tập của học sinh. "Một trong những thách thức quan trọng hiện nay là nâng cao kỹ năng và kiến thức về công nghệ thông tin cho đội ngũ giáo viên. Không chỉ dừng lại ở việc cập nhật thông tin công nghệ mới, quá trình tích hợp và áp dụng công nghệ một cách hiệu quả vào giảng dạy cũng cần được chú trọng để đảm bảo rằng tiềm năng của công nghệ được khai thác tối đa trong môi trường giáo dục", GS.TS Lê Anh Vinh nhận định.
Ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) trong hệ thống giáo dục tại Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức (Ảnh: AFP)
Bên cạnh đó, TS Thái Hoài Minh, Phó Trưởng Khoa Hoá học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh thách thức về việc đảm bảo học sinh có đủ điều kiện truy cập vào các thiết bị và nội dung AR. Việc phổ cập thiết bị công nghệ trong các trường học là một yếu tố quan trọng nhưng vẫn chưa đồng đều, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn hoặc vùng sâu, vùng xa.
Dựa trên kinh nghiệm từ việc đầu tư, phát triển và ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) tại một số quốc gia trên thế giới, có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho việc triển khai AR trong hệ thống giáo dục tại Việt Nam, bao gồm việc đảm bảo sẵn sàng về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị công nghệ thông tin phù hợp. "Tôi tin rằng, sự đầu tư từ các cấp quản lý cao nhất cùng với quyết tâm mạnh mẽ trong phát triển hạ tầng công nghệ sẽ là bước khởi đầu quan trọng để đảm bảo mọi học sinh và giáo viên đều có cơ hội tiếp cận công nghệ đồng đều và hiệu quả", GS.TS Lê Anh Vinh chia sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!