Phishing (lừa đảo) là một trong những hình thức phổ biến nhất được tội phạm mạng sử dụng bởi tính hiệu quả cao mà sức người sử dụng bỏ ra lại rất ít.
Dựa trên một kế hoạch đơn giản là dùng các email hoặc thông báo phỏng theo các tin nhắn từ ngân hàng, tổ chức chính phủ đến nền tảng giải trí…, tội phạm mạng có thể lừa người dùng truy cập một trang web lừa đảo, để lại thông tin tài khoản thanh toán, thông tin cá nhân hoặc thậm chí là tải về các chương trình độc hại.
"Lừa đảo tài chính" không chỉ là lừa đảo ngân hàng mà còn liên quan các hệ thống thanh toán và cửa hàng trực tuyến. Lừa đảo qua hệ thống thanh toán bao gồm các trang mạo danh thương hiệu thanh toán nổi tiếng như PayPal, MasterCard, American Express, Visa và các trang khác. Cửa hàng trực tuyến bao gồm Amazon, Apple Store, Steam, eBay…
Theo báo cáo của Kapersky, Indonesia có số vụ lừa đảo tài chính cao nhất (208.238), Việt Nam đứng thứ hai với 172.694 và Malaysia là 120.656. Thái Lan ghi nhận 101.461 nỗ lực lừa đảo liên quan đến tài chính, tiếp theo là Philippines với 52.914 và Singapore với 22.109 vụ.
Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á về số vụ lừa đảo tài chính trong năm 2022
Ông Yeo Siang Tiong - Tổng Giám đốc Kaspersky Đông Nam Á - cho biết: "Về cơ bản, doanh nghiệp cũng được cấu thành từ yếu tố "con người", mà phishing là một dạng tấn công kỹ thuật xã hội - tấn công nhắm vào tâm trí con người. Với 9/10 nhân viên cần được đào tạo kỹ năng an ninh mạng cơ bản, tội phạm mạng biết rằng lực lượng lao động vẫn là một kẽ hở mà chúng có thể dễ dàng khai thác để tiến hành một cuộc tấn công mạng nhằm vào một công ty".
Như đã công bố, email lừa đảo thường là sự khởi đầu của 91% các cuộc tấn công mạng. Mô phỏng lừa đảo do Kaspersky thực hiện đã thể hiện rõ cách tội phạm mạng lừa nhân viên nhấp vào thư độc hại.
Nhân viên có xu hướng không nhận thấy những cạm bẫy ẩn trong email dành cho các vấn đề của công ty và thông báo về vấn đề gửi email trực tuyến. Khoảng 16% đến 18% nhân viên đã nhấp vào liên kết trong các mẫu email bắt chước các cuộc tấn công lừa đảo này.
Các email lừa đảo khác đã nhận được số lượng nhấp chuột đáng kể là: xác nhận đặt chỗ từ dịch vụ đặt chỗ (11%), thông báo đơn hàng (11%) và thông báo về cuộc thi của IKEA (10%).
Để ngăn chặn các cuộc tấn công phức tạp và tổn thất tài chính và danh tiếng do các cuộc tấn công lừa đảo gây ra, Kaspersky khuyến nghị các doanh nghiệp cần nhắc nhở nhân viên về các dấu hiệu cơ bản của email lừa đảo: tiêu đề kịch tính, lỗi chính tả, địa chỉ người gửi không nhất quán và các liên kết đáng ngờ.
Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về email nhận được, hãy kiểm tra định dạng của tệp đính kèm trước khi mở và độ chính xác của liên kết trước khi nhấp vào. Điều này có thể đạt được bằng cách di chuột qua các thành phần này - đảm bảo rằng địa chỉ có vẻ xác thực và các tệp đính kèm không ở định dạng thực thi.
Luôn báo cáo các cuộc tấn công lừa đảo. Nếu bạn phát hiện một cuộc tấn công lừa đảo, hãy báo cáo với bộ phận bảo mật CNTT của công ty và nếu có thể, tránh mở email độc hại. Điều này sẽ cho phép nhóm an ninh mạng doanh nghiệp định cấu hình lại các chính sách chống thư rác và ngăn chặn sự cố.
Doanh nghiệp cần cung cấp kiến thức cơ bản về an ninh mạng cho nhân viên. Giáo dục nên nhằm mục đích thay đổi hành vi của người học và hướng dẫn họ cách đối phó với các mối đe dọa. Là nhà cung cấp dịch vụ an ninh mạng lớn, Kaspersky sở hữu cơ sở thông tin liên quan về các cuộc tấn công thực tế và liên tục bổ sung các chương trình đào tạo nâng cao nhận thức về bảo mật phù hợp với bối cảnh các mối đe dọa hiện tại;
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!