Đô thị thông minh, các hệ thống quản trị và sản xuất kinh doanh số ngày càng đòi hỏi một hạ tầng thông tin nhanh, mạnh và ổn định hơn. 5G được kỳ vọng sẽ giải được bài toán hàng triệu thiết bị cùng kết nối và tương tác trong một phạm vi hẹp tại cùng một thời điểm.
Mới đây, tại lễ sơ kết 6 tháng đầu năm ngành Thông tin và Truyền thông, nhiều người đã khá bất ngờ khi một số thiết bị, điện thoại 5G Việt Nam lộ diện. Vậy khi nào thì mạng viễn thông thế hệ mới này sẽ có thể chính thức tới tay người dùng?
Theo tiêu chuẩn kỹ thuật, mỗi trạm thu phát sóng 5G chỉ có phạm vi hoạt động vài trăm mét, do đó, để đảm bảo không chồng chéo và hiệu quả trong quy hoạch hạ tầng viễn thông mới, Cục Viễn thông và các doanh nghiệp như VNPT, Viettel, MobiFone… đã ký thoả thuận chia sẻ hạ tầng.
Song song với các kế hoạch hợp tác, phân bổ hạ tầng, các doanh nghiệp cũng đang chạy đua sản xuất các thiết bị đầu cuối tương tích với mạng viễn thông này. Các doanh nghiệp sản xuất cũng như các nhà mạng đã có thể sản xuất không chỉ thiết bị thu phát sóng mà cả các thiết bị cầm tay, điện thoại di động và sẵn sàng cho việc thương mại hoá vào đầu năm 2021.
Dự kiến trong tháng 10 tới đây sẽ có các thử nghiệm đầy đủ việc thu phát sóng trên các thiết bị mạng, điện thoại di động Việt Nam với mạng viễn thông này. Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang nằm trong nhóm các quốc gia không chỉ triển khai sớm mạng 5G mà còn có cơ hội thay đổi đáng kể ngành sản xuất công nghiệp viễn thông một khi làm chủ được việc sản xuất thiết bị đầu cuối.
Theo ước tính, doanh thu viễn thông tại Việt Nam sẽ có thể tăng thêm hơn 3 tỷ USD nếu sử dụng 5G trong số hoá công nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!