Có thể thấy, ba năm qua Gala Ngày trở về đều rất thành công. Chương trình không chỉ tạo ra một thương hiệu mà còn là sự mong chờ của khán giả mỗi dịp Tết đến. Đây vừa là điểm thuận lợi vừa là áp lực cho những người làm chương trình năm nay. Chủ đề Nếu đi hết biển..? xuất phát từ một câu hỏi của đạo diễn Trần Văn Thủy, tác giả của Chuyện người tử tế và Hà Nội trong mắt ai. Khi còn bé, ông đã hỏi bà thím của mình "đi hết biển thì đến đâu?" và ông chỉ tự trả lời được sau khi đã bôn ba khắp thế giới trong suốt cuộc đời làm việc của mình.
Ông Bạch Ngọc Chiến - Trưởng Ban biên tập TH Đối ngoại cho biết: "Khác với các chương trình trước đây, chúng tôi muốn nói nhiều hơn đến thân phận của người Việt ở nước ngoài và thành công cũng như thất bại của họ đều gắn với danh tính và nguồn gốc của họ. Khán giả sẽ được gặp nhiều cảnh ngộ cả thành công lẫn bi thương của người Việt ở nước ngoài. Chương trình cũng cung cấp một số chất liệu chưa từng được đề cập đến bao giờ về hậu duệ của các vị vua yêu nước Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân và số phận của gần hai chục ngàn nông dân Việt Nam được đưa sang Pháp những năm cuối của Chiến tranh thế giới thứ 2. Cùng với các chất liệu đặc sắc là các khách mời đặc biệt, những người nước ngoài am hiểu về cộng đồng người Việt ở nước ngoài và lịch sử di cư của người Việt".
Hiện nay, có khoảng 4 triệu kiều bào Việt Nam đang sinh sống và định cư ở các quốc gia và vùng lãnh thổ. Có lẽ, nhiều người trong số họ vẫn luôn trăn trở với những câu hỏi: "Ta là ai? Ta ra đi với mục đích gì? Ta tìm kiếm những giá trị gì bên ngoài Việt Nam?".
‘ Trò chuyện với vợ chồng Hoàng tử Bảo Ngọc bên sông Hương
Với mong muốn tìm thấy câu trả lời từ những người ra đã đi trong các giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nươc, những người làm chương trình Gala Ngày trở về đã thực hiện các phóng sự ở nhiều nước khác nhau. Phóng sự thứ nhất mang tới cho khán giả câu chuyện về vợ chồng hoàng tử Bảo Ngọc - con trai vua Duy Tân. Năm nay 85 tuổi, ông Georges Vĩnh San vẫn cùng vợ về Việt Nam thăm mộ Vua Duy Tân và họ hàng hoàng tộc.
Ông chia sẻ: “Tôi bắt đầu nghĩ đến Việt Nam sau khi bố tôi, Vua Duy Tân qua đời trong một tai nạn máy bay ngay trước khi ông có ý định quay trở về Việt Nam, làm cầu nối giữa chính quyền Pháp và Chủ tịch Hồ Chí Minh... Bố tôi rất ít nói với chúng tôi về Việt Nam nhưng ông sống lặng lẽ, trong ông, Việt nam có một vị trí rất lớn trong trái tim, nhất là khi ông bị ra đi khỏi đất nước trong hoàn cảnh như vậy... Tôi về Việt Nam bởi vì chỉ đơn giản đó là đất nước của cha tôi và đây là lần thứ sáu tôi quay trở về Việt Nam...”.
Theo thống kê, từ thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đến trước năm 1954, số lượng người Việt Nam di cư ở nước ngoài không lớn, khoảng trên dưới 100.000 người. Người Việt ở hải ngoại lúc đó phân bố ở vài chục nước, nhiều nhất ở Pháp và các thuộc địa của Pháp ở châu Phi. Như vậy cộng đồng người Việt tại Pháp có nguồn gốc từ lâu đời so với cộng đồng khác, từ những người dòng dõi hoàng gia cho tới những người nông dân Việt nam bị bắt đi phu sang Pháp. Chương trình lần đầu tiên sẽ mang đến cho quý vị khán giả câu chuyện thú vị và chưa từng được biết đến về những người thợ Việt Nam bị cưỡng bức di cư sang Pháp, làm thợ trong các nhà máy thuốc súng trong thời gian Thế chiến Thứ Hai những người mà cho đến nay vẫn là nạn nhân của một sự hiểu nhầm lịch sử.
‘ Ghi hình tại một gia đình Việt Kiều ở Sec
Trong các phóng sự tiếp theo, Gala Ngày trở về mang tới cho khán giả câu chuyện về phóng viên Cath Turner người Úc và chị Trương Thị Quyền - hiện sinh sống tại Bỉ. Cath Turner là người gốc Việt được đem ra nước ngoài trong chiến dịch Babylift vào cuối năm 1975. Cath có cuộc sống tại Úc trong gia đình cha mẹ nuôi đầy ấp thương yêu, nhưng chị vẫn có những nỗi niềm riêng khi chung quanh toàn “màu trắng”. Và chị đã có hành trình khó khăn đi tìm lại cha mẹ ruột, cũng như tìm hiểu thêm chiến dịch Babylift đưa trẻ sơ sinh mồ côi ra nước ngoài năm xưa...
Còn chị Quyền là chủ nhà hàng Little Asia. Đó cũng là nơi chị thực hiện mơ ước người Việt Nam phải được biết đến, ẩm thực Việt Nam phải có danh tiếng so với ẩm thực các nước châu Á khác ở đây. Qua cuộc trò chuyện với phóng viên VTV4, khán giả sẽ hiểu được: Tại sao dù bố mẹ quyết định tìm quốc gia khác Việt Nam để sinh sống nhưng chị Quyền vẫn tìm cách xây dựng hình ảnh cho Việt Nam tại Vương quốc Bỉ? Động lực nào tiếp sức mạnh cho chị?
‘ Phỏng vấn Việt Kiều ở Đức
Trên hành trình tìm hiểu những người Việt đang sinh sống định cư ở nước ngoài xem Họ là ai? Cuộc sống của họ như thế nào? Điều gì làm cho họ ra đi để gắn bó đời mình với các quốc gia, xứ sở không phải quê hương mình? Việt Nam có vị trí như thế nào đối với họ?.... Gala Ngày trở về tiếp tục đưa khán giả đến với châu Âu khi các cộng đồng người Việt được hình thành đông đảo trong những năm 80s. Thật vậy, sau khi Liên Xô tan rã, bức tường Berlin sụp đổ, nhiều người đã chọn con đường ở lại chính thức để lao động, học tập, tu nghiệp, đoàn tụ gia đình và đã hình thành những cộng đồng lớn, nhỏ ở các “vùng đất mới” này...
Bên cạnh những người ra đi trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau, giờ đây cũng nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng quyết định đi tìm môi trường quốc tế để phát triển và Thành Nhân là một trong số đó. Học tập ở Canada, Nhân sang Mỹ sống và làm việc từ 11 năm nay. Dù xa nhà lâu và sống trong một môi trường nước ngoài nhưng Nhân vẫn giữ truyền thống gia đình Việt. Thành Nhân chỉ là đại diện cho một nhóm người Việt trẻ thành công tại Google và đặc biệt là thung lũng Silicon. Họ mỗi người một hoàn cảnh và có một con đường riêng đến với Google nhưng dù bằng phương thức nào họ cũng đều chứng tỏ năng lực, ý chí Việt tại xứ người.
Những người làm chương trình Gala Ngày trở về đã mời anh Kyle Horst - một người Mỹ rất am hiểu về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và nhà báo Pierre Daum của tờ báo danh tiếng Le Monde diplomatique (Pháp), đồng thời là một nhà nghiên cứu lịch sử tham gia trao đổi tại trường quay. Không chỉ giúp khán giả hiểu hơn về sự ra đi những người Việt xa xứ, các phóng sự trong chương trình còn chia sẻ ước mơ của cộng đồng người Việt kiều. Tuy sống xa Tổ quốc, nhưng họ vẫn luôn giáo dục con cháu phải giữ gìn bản sắc và những giá trị truyền thống của người Việt khi ra thế giới.
‘ Ghi hình tại nhà một Việt kiều
Nhà báo Trần Ngọc Bích - Trưởng phòng Chương trình - Ban Truyền hình đối ngoại cho biết thêm: “Gala Ngày trở về năm nay mong muốn là một bức tranh chân thực về đời sống cộng đồng, người Việt bên ngoài lãnh thổ cũng có người thành đạt đang làm rạng danh Việt Nam, cũng có nhiều người ra đi tìm cơ hội việc làm nhưng không may mắn, lao động vất vả, và cuốn trong những guồng mưu sinh đầy thăng trầm nơi xứ người. Trong cuộc mưu sinh đó, có những người thậm chí bị đẩy đến đường cùng, có người vì thiếu hiểu biết về pháp luật sở tại mà bị kết án trong các trại giam... Tuy nhiên dù trong hoàn cảnh nào, người Việt cũng luôn nỗ lực, cố gắng vươn lên, chịu thương, chịu khó vì con cái, vì các thế hệ tương lai... Và quan trọng trên những bước đường công danh, trên những chặng đường mưu sinh thăng trầm người Việt vẫn luôn có những cách để trở về với làng mình, quê mình, trở về với nguồn cội của mình...”.
Cuối cùng chương trình sẽ trở lại với tâm sự của đạo diễn Trần Văn Thủy: "Tôi lớn lên và câu hỏi Nếu đi hết biển thì đi đến đâu? vẫn theo đuổi tôi. Tôi lớn khôn và ngày càng nhiều trải nghiệm và thím tôi âm thầm qua đời khi tôi ở nước ngoài. Một lần trở về từ xa, tôi tới thắp hương bên mộ thím mà xót xa thì thầm: Thím ơi, cháu thương thím vì cho đến lúc chết thím cũng không biết đi hết biển là đến đâu. Bây giờ cháu biết rồi thím ạ. Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình thím ạ...".
Gala Ngày trở về: Nếu đi hết biển...? dự kiến phát sóng 15h00 ngày 30/1/2014 (30 Tết), 20h00 ngày 31/1/2014 (1 Tết) trên VTV4 và 20h00 ngày 1/2/2014 (2 Tết) trên VTV1.