Niềm đam mê được bấm máy… Năm 1952, chàng trai 21 tuổi Nguyễn Thanh Xuân rời Làng Sen lên đường nhập ngũ và được tham gia các chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Kháng chiến chống Pháp thành công, ông được cùng đơn vị tiếp quản Thủ đô, đến 1961, ông chuyển công tác về Xưởng phim Quân đội.
Khi thấy các đồng nghiệp sử dụng máy quay phim tác nghiệp, ông bắt đầu tò mò rồi lân la tìm hiểu. “ Lúc đó, tôi được phân công phụ trách khói lửa cho những cảnh quay về chiến trường nhưng hễ có thời gian rảnh là tôi lại tìm hiểu về chiếc máy quay phim. Sau những ngày tháng học lỏm đồng nghiệp về khuôn hình, ánh sáng, lấy nét… tôi bắt đầu sử dụng thành thạo được chiếc máy quay Convat của Liên Xô. Thấy tôi có năng khiếu và chịu khó mày mò, cấp trên cử tôi đi học lớp nghiệp vụ về quay phim. Kể từ đó tôi gắn bó với chiếc máy quay phim cho đến lúc về hưu.”- ông Xuân kể lại cơ duyên gắn bó với nghiệp bấm máy của mình.
‘ Thiếu tá Nguyễn Thanh Xuân (Ảnh: Huy Hùng)
Khi trở thành một người quay phim chính của xưởng phim Quân đội, ông và đồng nghiệp đã có nhiều tác phẩm phim tài liệu như “Nhằm thắng quân thù mà bắn; Cánh đồng bông Thuận Hải…” Nhưng với ông, vinh hạnh nhất là nhiều lần nhận trọng trách ghi hình những lần Bác Hồ đi thăm các đơn vị chiến đấu, các sự kiện lớn.
‘ Kể chuyện quay phim Hồ Chủ tịch với PV VTV New
Ông nói: “ Cùng với các đồng nghiệp như Trần Anh Trà, đạo diễn Phạm Quốc Vinh… tôi được trực tiếp quay những hình ảnh tư liệu về Bác Hồ khi Người đi thăm các chiến sĩ pháo cao xạ, thăm chiến sĩ hải quân…Trong những lần đi theo Bác Hồ, chúng tôi rất xúc động với hình ảnh Bác Hồ xắn chân, lội ruộng thăm hỏi tình hình sản xuất của bà con nông dân, hình ảnh Bác Hồ chia kẹo cho các cháu thiếu nhi, chòm râu bạc trắng như một ông tiên với đôi mắt hiền từ bắt nhịp bài ca “kết đoàn” và hát say sưa với các cháu. Bác rất gần gũi và tình cảm. Thực sự, tôi không nghĩ mình lại may mắn có những lúc được ở gần Bác như vậy. Niềm hạnh phúc này thật đặc biệt mà cho đến hôm nay tôi vẫn không diễn tả hết cảm xúc của mình. ”
Và nhiệm vụ đặc biệt… Những ngày cuối tháng 8/1969, hai nhà quay phim Nguyễn Thanh Xuân và Trần Thanh Trà được đơn vị yêu cầu chọn máy móc, chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ đặc biệt nhưng không cho biết là nhiệm vụ gì, ở đâu. “Lúc đó, tôi vẫn quen sử dụng chiếc máy Convat cũ của Liên Xô, vì chưa biết nhiệm vụ gì nên tôi không chọn máy quay khác mà chỉ lau chùi, kiểm tra lại kĩ rồi cầm thêm một chiếc máy quay nữa để lên đường”, ông Xuân nhớ lại.
‘ Thời trẻ của thiếu tá Nguyễn Thanh Xuân (Ảnh tư liệu)
Dù đã được đi rất nhiều nơi để làm phim nhưng khoảng thời gian ngồi trên xe đi làm nhiệm vụ lần này thật đặc biệt. Lần đầu tiên, ông và đồng nghiệp được lệnh đi làm nhiệm vụ mà chưa hiểu nhiệm vụ gì, cảm giác vừa hồi hộp, vừa lo lắng…. Đúng lúc ấy, các nhà quay phim nhận được thông báo “Các anh đến cổng đỏ (cổng phía sau - PV) nhà Bác sẽ có người đón”. Lúc đó, ông Xuân và đồng nghiệp cũng chỉ nghĩ chuẩn bị tháp tùng Bác Hồ dự mít tinh kỉ niệm Lễ quốc khánh.
"Tay xách nách mang" lủng củng máy móc và những cuộn phim to tướng, ông Xuân và đồng nghiệp được thư ký Vũ Kỳ thông báo tình hình sức khỏe của Bác không tốt nên 2 nhà quay phim phải chờ đợi trong tư thế sẵn sàng….
Ngày 30/8, ông Xuân được lệnh vào quay lại những hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang chăm sóc Bác Hồ. “Chúng tôi đặt máy ở ngoài, dùng ống kính tele ghi hình qua cửa sổ. Lúc đó, theo yêu cầu phải giữ yên lặng và hạn chế người trong phòng Bác nằm. Nhưng lúc đó, chiếc máy quay phim đã cũ, khi vào phòng quay yên tĩnh lại phát ra những tiếng kêu to, chúng tôi chỉ còn biết cách phải dùng chiếc túi đen cắt phim trùm chiếc máy lại để hạn chế tiếng ồn”, ông Xuân nói.
Theo dự kiến ban đầu, sáng 2/9, Bác Hồ sẽ tham dự mít tinh Lễ quốc khánh nhưng khi các nhà quay phim đang sẵn sàng thì được thông báo sức khỏe Bác không tốt, không thể tham dự lễ mít tinh.
Khi đang chờ đợi thì ông Xuân và đồng nghiệp nhận được tin Bác đã trút hơi thở cuối cùng. “Tôi thấy các đồng chí phục vụ đi ra từ phòng Bác nằm ai cũng nước mắt giàn dụa, khóc nức nở. Đúng lúc này, tôi được lệnh vào quay lại những hình ảnh của giờ phút đặc biệt. Cũng như tất cả những người có mặt lúc đó, tôi cũng nước mắt giàn dụa trong khi lại phải nhìn sát vào ống kính máy quay. Nước mắt nhòe cả ống kính, tôi không thể nào quay nổi đành dùng ống kính có góc rộng đặt sẵn các chế độ và chỉ biết đưa máy lên cao để lấy các hình ảnh toàn cảnh xung quanh nơi Bác nằm…”, - ông Xuân kể lại thời khắc này trong xúc động.
Trong đợt làm nhiệm vụ đặc biệt ấy, nhà quay phim Nguyễn Thanh Xuân đã quay hơn 5000 thước phim tư liệu quý báu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đặc biệt là, phải mất 20 năm sau, tác giả của những thước phim ấy mới được xem lại sản phẩm của mình.
‘ Bên chiếc máy quay phim đã ghi lại hình ảnh của Hồ Chủ tịch, Ảnh tư liệu
Năm 1989, khi UNESCO chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa thế giới, Điện ảnh Quân đội và Bảo tàng Hồ Chí Minh quyết định giao cho đạo diễn Phạm Quốc Vinh dựng bộ phim về những giây phút cuối cùng của Bác Hồ dựa trên hình ảnh mà hai nhà quay phim Nguyễn Thanh Xuân và Trần Anh Trà đã quay. Bộ phim “Những giờ phút cuối đời Bác Hồ" và được Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh duyệt ngày 17/4/1989 và công chiếu rộng rãi. Bộ phim này cũng được chiếu thường xuyên tại Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng như trong các dịp lễ phục vụ đồng bào cả nước và bè bạn năm châu.
Với cá nhân ông Nguyễn Thanh Xuân, mỗi lần được xem lại những thước phim đặc biệt ấy, ông lại không cầm được nước mắt. “Thực lòng, tôi rất muốn biết chất lượng của những thước phim do mình quay trong thời khắc đặc biệt nên sau 20 năm chờ đợi khi được xem lại, khi thấy những hình ảnh có chất lượng tốt, tôi mới thực sự cảm thấy yên lòng”- ông Xuân bộc bạch.
Tâm sự cùng chúng tôi trong căn nhà nhỏ đúng vào dịp mà cách đây gần 45 năm ông được thực hiện nhiệm vụ nặng nề và rất đỗi thiêng liêng, ông Xuân như vẫn còn nguyên cảm xúc. Những giọt nước mắt nặng tình lăn dài trên má nhà quay phim già, nhẹ nhàng nói: mới đó mà đã hơn 40 năm Bác đi xa rồi các cháu nhỉ…