Không ít người thắc mắc khi nhận thấy rằng cơ thể luôn liên tục trong trạng thái “buồn miệng” và thèm ăn. Để khắc phục tình trạng này triệt để, điều quan trọng là bạn cần thấu hiểu nguyên nhân đằng sau và nhận biết chính xác được rằng liệu cơ thể có đang thực sự cần nạp thức ăn hay không.
1. Khát nước
Nếu gần đây bạn cảm thấy hay đói bụng mặc dù trước đó không lâu đã ăn đầy đủ, hãy nhớ lại xem lần cuối cùng mình uống nước là bao lâu. Hãy thử uống một ly nước và chờ một chút. Cảm giác đói sẽ giảm dần đi, và bạn thậm chí sẽ nhận ra sau nó rằng mình thật ra hoàn toàn không thực sự thèm ăn đến thế.
Cách khắc phục: Hãy duy trì việc uống nước thường xuyên. Một cách tốt để thực hiện việc này là rèn luyện cơ thể để quen với việc nạp thật nhiều nước vào buổi sáng và khoảng nửa giờ trước mỗi bữa ăn.
2. Calo “rỗng”‘
Tâm lý chỉ cần ăn thứ gì đó ngon miệng mỗi khi đói bụng chính là thủ phạm khiến bạn vô tình nạp vào người nhiều calo “rỗng” (là dạng thức ăn chứa số lượng calo cao nhưng hàm lượng dinh dưỡng thấp). Những món ngọt ăn vặt, kể cả khi ăn với liều lượng nhỏ đi nữa, cũng sẽ kích thích sự thèm ăn trong khi không thực sự giúp cơ thể tìm đến những lựa chọn chứa các chất dinh dưỡng hữu ích.
Cách khắc phục: Giảm bớt thức ăn chứa nhiều carbohydrate nhanh tiêu hóa, và thay thế chúng bằng những thực phẩm lành mạnh hơn.
3. Thiếu ngủ
Khi có từ 7 đến 8 tiếng ngủ ngon giấc, bạn sẽ ít bị đánh thức bởi cảm giác đói bụng vào ban đêm. Khoảng thời gian dành cho giấc ngủ này là lúc cơ thể sản xuất ra hormone melatonin. Đây là loại hormone không chỉ chịu trách nhiệm cho hoạt động bình thường của các cơ quan mà còn ảnh hưởng đến diện mạo mỗi người.
Cách khắc phục: Hãy ngủ trước nửa đêm để vừa ít bị đói vặt lúc khuya, đồng thời duy trì vẻ ngoài tươi tắn và xinh đẹp.
4. Stress
Một số người khi căng thẳng sẽ chán nản và không màng ăn uống. Một số người khác lại có xu hướng tìm đến thức ăn nhiều hơn khi đối mặt với nhiều lo âu. Với họ, ăn uống là một cách giải tỏa để bình tĩnh và suy nghĩ thấu suốt.
Cách khắc phục: Stress là điều không thể tránh khỏi, nhưng hãy nhớ rằng ăn uống không phải là cách duy nhất để vượt qua lo âu. Bạn hoàn toàn có thể trò chuyện với những người thân cận, vận động, tập thể dục, hoặc đọc sách hay xem chương trình thú vị nào đó để giúp bản thân phấn chấn và có thêm động lực.
5. Ăn nhẹ không đúng cách
Đồ uống có cồn như rượu là một trong những nguyên nhân kích thích thèm ăn. Vì vậy, trước khi dự tiệc hay thưởng thức bữa ăn với bạn bè, hãy chú tâm và xem trước có những món ăn nào trong thực đơn, tránh tình trạng ăn uống mất kiểm soát.
Cách khắc phục: Hãy chỉ chọn lấy những món ăn vặt nhẹ nhàng và lành mạnh. Bên cạnh đó, mỗi món đồ uống sẽ đi kèm với với những ăn phù hợp riêng. Lấy ví dụ, món bruschetta (bánh mì cà chua Italy) với rau củ nướng sẽ rất hoàn hảo để tôn lên hương vị của rượu vang đỏ.
6. Thiếu đạm
Đạm là thành phần dinh dưỡng cực kỳ cần thiết cho cơ thể. Đừng quên bổ sung đạm vào chế độ ăn của bạn để tránh tình trạng thiếu sức sống và năng lượng. Tuy rằng rau củ quả là những thức ăn rất có lợi, đừng vì chúng mà loại bỏ đạm hoàn toàn. Đạm vẫn nên là nền tảng cho chế độ ăn của bạn.
Cách khắc phục: Thực phẩm chứa đạm rất đa dạng, như yogurt Hy Lạp, thịt nạc, thịt gà, trứng,... Bạn có thể thay đổi linh hoạt giữa các lựa chọn này để bữa ăn hàng ngày trở nên phong phú.
7. Thiếu chất béo phù hợp
Có nhiều loại chất béo khác nhau. Những đồ ăn nhanh, đồ chiên, béo, hun khói và nhiều bột tuy rất ngon lành nhưng bạn chỉ nên ăn vào những dịp đặc biệt, thay vì nạp vào cơ thể hàng ngày. Trái lại, chất béo có lợi cho sức khỏe lại rất cần thiết cho chế độ ăn hàng ngày. Chúng có mặt trong dầu ô liu, cá, quả hạch, bơ và hạt.
Cách khắc phục: Bỏ qua các thực phẩm chứa chất béo bão hòa, tập trung vào những nguồn dinh dưỡng chứa chất béo có lợi.
8. Chế độ ăn không đúng
Có 3 bữa ăn chính trong ngày là bữa sáng, bữa trưa và bữa tối. Ở giữa các bữa ăn chủ đạo này là thêm 2 lần ăn phụ. Bạn không nên bỏ qua lượt ăn uống nào trong ngày, tránh “dồn tụ” cảm giác thèm ăn trong thời gian dài.
Cách khắc phục: Nạp thức ăn theo liều lượng nhỏ nhưng đảm bảo phân bố trong khoảng thời gian đều đặn.
9. Mạng xã hội
Thói quen liên tục đăng tải và chia sẻ những món ăn đẹp đẽ, “mãn nhãn” khiến chúng ta liên tục nghĩ về chuyện ăn uống. Nhiều người hay lướt mạng xã hội chỉ để ngắm nhìn hình ảnh giải trí hoặc tìm gợi ý cho bữa ăn. Chính vì vậy, một cách vô thức họ cảm thấy liên tục đói bụng vì hành động trên.
Cách khắc phục: Hãy hạn chế việc chụp ảnh thức ăn hàng ngày nếu không cần thiết của bạn để không bị “ám ảnh” về chuyện ăn uống.
10. Ăn vội ăn vàng
Ngay từ khi còn bé, ai cũng được bố mẹ dặn dò rằng nên ăn uống từ tốn, chậm rãi. Đây là lời nhắc nhở hoàn toàn có cơ sở. Việc ăn “ngấu nghiến” và qua loa cho xong bữa làm cản trở cơ thể trong việc cảm nhận món ăn, ít có cảm giác đã được ăn uống đầy đủ ngon lành, dẫn đến việc nhanh chóng xuất hiện cảm giác thèm ăn trở lại.
Cách khắc phục: Mỗi khi ăn, hãy thư giãn và trân trọng thức ăn của mình. Bạn cũng có thể nhai chậm hơn để cảm nhận rõ mùi vị của thức ăn, giúp cảm giác no được duy trì lâu dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!