Không thể phủ nhận vai trò của tủ lạnh trong việc duy trì thời hạn sử dụng của thực phẩm dễ hỏng, đặc biệt một số thực phẩm tươi sống như trái cây, cá, thịt. Thế nhưng không phải loại thực phẩm nào cũng nên để trong tủ lạnh bởi chúng có thể bị thay đổi kết cấu, mùi vị bị hỏng. Dưới đây là danh sách một số loại thực phẩm phổ biến mà bạn nên bảo quản ở ngoài tủ lạnh.
Cà chua: Nhiệt độ lạnh có thể khiến cà chua mất hương vị và bị nhũn. Vì thế, bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng và sử dụng chúng trong vòng vài ngày.
Tỏi: Tỏi có thể mọc mầm và bị nhão nếu để trong tủ lạnh bảo quản. Do đó môi trường khô ráo, thoáng mát ở bên ngoài sẽ phù hợp hơn để giữ lại mùi hương của tỏi.
Chuối: Làm lạnh khiến vỏ chuối biến thành màu nâu, mặc dù quả bên trong vẫn có thể ăn được. Nếu bạn muốn chuối không bị dập, hãy giữ chúng ở nhiệt độ phòng.
Hành tây: Tương tự như tỏi, hành tây có thể bị mốc và nhũn khi để trong tủ lạnh. Do đó bạn nên bảo quản chúng ở nơi khô ráo, thoáng mát với hệ thống thông gió tốt.
Mật ong: Mật ong có thể kết tinh và trở nên cứng hơn khi để trong tủ lạnh. Mật ong chỉ nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng và nơi khô ráo.
Trái bơ: Làm lạnh làm chậm quá trình chín của bơ. Nếu chúng chưa chín, hãy giữ chúng ở nhiệt độ phòng cho đến khi chúng mềm ra. Sau khi chín, bạn có thể bảo quản chúng trong tủ lạnh trong vài ngày.
Khoai tây: Làm lạnh có thể chuyển hóa tinh bột trong khoai tây thành đường, ảnh hưởng đến hương vị và kết cấu của khoai tây. Thay vào đó, hãy cất chúng ở nơi tối và mát.
Bánh mì: Bảo quản bánh mì trong tủ lạnh có thể khiến bánh mì bị khô và nhanh hỏng hơn. Tốt hơn hết là giữ nó ở nhiệt độ phòng trong túi kín hoặc hộp bánh mì.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!