Trong nỗ lực làm chậm quá trình tàn phá của biến đổi khí hậu, ở Australia, người ta đang áp dụng một biện pháp mới: Dùng những sợi nấm nhỏ bé để hút carbon dioxide ra khỏi không khí và chôn nó dưới lòng đất.
Một nhà nghiên cứu đang kiểm tra các mẫu nấm tại phòng thí nghiệm
Những người nông dân ở Australia đang sử dụng nhiều công nghệ khác nhau trên đất nông nghiệp, không chỉ để trồng lương thực mà còn để tiêu thụ lượng khí carbon dioxide dư thừa được tạo ra bởi hơn một thế kỷ đốt nhiên liệu hóa thạch và thâm canh nông nghiệp. Loam Bio là một trong số nhiều công ty khởi nghiệp đã huy động được hàng trăm triệu USD đầu tư vào nỗ lực sử dụng nấm trong lòng đất để loại bỏ carbon dioxide khỏi khí quyển.
Tại sao lại là nấm? Bởi vì nấm đóng vai trò như một nhà buôn carbon của tự nhiên. Khi gieo hạt, nông dân thêm vào bào tử nấm đã được nghiền thành bột. Nấm bám vào rễ cây, lấy carbon được cây hấp thụ từ không khí và khóa nó trong kho lưu trữ dưới lòng đất trong khoảng thời gian lâu hơn nhiều so với chu trình carbon tự nhiên.
Đất từ cánh đồng mới gieo hạt
Ưu điểm của phương pháp này là không đòi hỏi quá nhiều thời gian và chi phí. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn khá mới mẻ, mang tính thử nghiệm, cả ở Australia và trên thế giới. Vẫn chưa có con số chính xác về lượng carbon dư thừa có thể loại bỏ cũng như thời gian giữ lượng carbon dư thừa dưới lòng đất, nhưng những lợi ích của việc làm này rất rõ ràng. Ngoài việc đưa carbon dioxide từ không khí vào lòng đất, sử dụng nấm còn nhằm mục đích khôi phục lại sức khỏe của đất đã bị suy thoái sau hàng thập kỷ thâm canh nông nghiệp bằng các vi khuẩn và khoáng chất mà chúng từng chứa. Nhiều carbon hơn có nghĩa là sức khỏe đất tốt hơn và năng suất cao hơn.
Tiềm năng loại bỏ carbon của đất là rất lớn. Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, đất chứa lượng carbon gấp ba lần so với khí quyển và chúng có khả năng hấp thụ hơn 5 tỷ tấn carbon dioxide mỗi năm, hoặc 1/7 tổng lượng carbon dioxide mà hoạt động của con người thải vào khí quyển. Điều đó khiến chúng trở thành kho lưu trữ carbon lớn thứ hai thế giới, sau đại dương.
Một người nông dân Australia trên cánh đồng mới gieo hạt
Trong năm nay, bột nấm được rải trên 100.000 mẫu Anh ở Australia và dự kiến sẽ được triển khai trên 250.000 mẫu Anh vào năm tới. Một số nông dân ở Hoa Kỳ cũng đang thử sản phẩm này trên cánh đồng đậu nành của họ. Các thử nghiệm thực địa cũng đang được tiến hành ở Canada và Brazil. Nấm thực hiện công việc quan trọng dưới lòng đất. Chúng lấy carbon dioxide mà thực vật lấy từ không khí trong quá trình quang hợp, tích trữ dưới lòng đất và trả lại chất dinh dưỡng mà thực vật cần.
Việc tính toán lượng carbon trong đất rất phức tạp bởi thực tế nó tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, hầu hết ở dạng chất hữu cơ dễ bay hơi. Trên đất nông nghiệp, đó sẽ là tàn dư thực vật hoặc phân bón. Nó có thể quay trở lại bầu khí quyển sau vài năm, hạn hán hoặc hỏa hoạn có thể đốt cháy nó thậm chí còn nhanh hơn, giải phóng carbon dioxide trở lại không khí. Các kỹ thuật viên của Loam, công ty sản xuất bột nấm, đã đo lượng carbon trong đất cơ bản vào tháng 2 vừa qua, thời điểm cao điểm của mùa khô nóng. Tháng 2/2025, họ sẽ quay lại để tìm hiểu xem liệu lượng carbon trong đất có tăng hay không và để xác định xem lượng carbon ở dạng ổn định hơn là bao nhiêu.
Ông Alan Richardson, nhà sinh vật học đất tại Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối Thịnh vượng chung, một cơ quan chính phủ ở Australia, cho rằng, việc sử dụng nấm để lưu trữ carbon dưới lòng đất là có ý nghĩa, nhưng nó sẽ chỉ có tác dụng nếu nông dân thực hành việc đó đều đặn hàng năm, giúp đất tích tụ cacbon trong nhiều năm. Cơ quan tín chỉ carbon do chính phủ Australia điều hành sẽ phải xác minh lượng carbon mà nông dân đã bổ sung trước khi cấp bất kỳ khoản tín chỉ nào.
Theo các chuyên gia môi trường, tín chỉ carbon được trao không phải vì những thay đổi đáng kể mà vì những biến động theo mùa của thời tiết: Trong những năm ẩm ướt bất thường, carbon tích tụ trong đất, chỉ tiêu tan trong những năm khô hạn. Một nghiên cứu đưa ra cảnh báo, số lượng tín chỉ carbon cấp cho các dự án nông nghiệp đã tăng cao. Hiện nay, biến đổi khí hậu đặt ra một nguy cơ mới. Theo các mô hình khoa học, một tương lai khô hơn và nóng hơn có nguy cơ giải phóng nhiều carbon hơn từ đất.
Nhiệm vụ cung cấp lương thực cho thế giới đã tàn phá đất đai, đồng thời thải ra một lượng lớn khí nhà kính. Phá rừng, cày đất, áp dụng phân bón hóa học... những hoạt động này đã làm thay đổi phần lớn Trái đất. Qua nhiều thập kỷ, khi hoạt động nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, các lớp đất mặt bị bào mòn, mức độ carbon trong đất giảm xuống. Nông nghiệp ngày càng bị tàn phá bởi vấn đề môi trường, nhưng chính ngành nông nghiệp cũng tạo ra vấn đề về khí hậu khi nó chiếm tới 1/4 lượng phát thải khí nhà kính trên thế giới.
Các chuyên gia môi trường lo ngại rằng, công nghệ mới chỉ điều trị triệu chứng chứ không phải nguyên nhân của biến đổi khí hậu. Tiến sĩ Jackson nói: “Không thể lấy chúng làm cái cớ để tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch!”.
Mục tiêu của Australia là phải thay đổi nông nghiệp bởi Chính phủ nước này đã đặt mục tiêu giảm 43% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030, so với mức của năm 1990. Nông nghiệp chiếm khoảng 14% lượng khí thải đó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!