Có nhiều câu hỏi xung quanh cái tên bánh hỏi mặt võng. Người nói rằng bánh này giống như bún nhưng cách làm lại dụng công nhiều hơn, hình dáng đẹp mắt, ăn thấy lạ. Tuy nhiên, cũng có cách giải thích khác. Bánh được gọi là bánh hỏi vì thường được sử dụng trong mâm lễ hỏi của nhà trai khi đưa sang nhà gái. Có lẽ chưa có câu trả lời nào toàn diện nên vẫn còn đó một dấu chấm hỏi cho cái tên của loại bánh này.
Ngoài chuẩn bị lá, việc chế biến bánh hỏi mặt võng phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Việc pha bột, nêm nếm gia vị… đều có những bí quyết riêng, nhờ đó mới tạo được hương thơm đặc trưng. Bánh có vị hơi mặn nhưng vẫn giữ được vị ngọt.
Bột được xá 4 - 5 lần mới tạo được độ dai, độ trong của sợi bánh. Bột sau khi nhào nặn được đưa vào ép. Công đoạn này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng. Đàn ông có sức thì điều khiển đòn bẩy, phụ nữ khéo tay sẽ rê bánh cho ra hình mặt võng. Bánh được hấp trong 5 phút, lửa đun phải từ trấu giúp hơi nóng đầm, bánh sẽ thơm lâu…
Đó là những bí quyết giữ gìn tiếng thơm đặc sản của nữ nghệ nhân làm bánh hỏi mặt võng ở đất Tây Đô trong suốt hơn 50 năm qua. Với bà, giữ nghề truyền thống phải bằng hơi thở hội nhập. Nói cách khác, hoàn toàn có thể phát triển du lịch từ những ngành nghề xưa cũ. Chiếc bánh ngon một lần được thưởng thức rồi có thể sẽ quên nhưng người dân sẽ nhớ khi được tận tay trải nghiệm, tận mắt khám phá sự khéo kéo, tinh tế của người làm bánh.
*Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TVOnline!