Bánh tôm Hồ Tây là một thức quà của riêng Hà Nội. Vì những con tôm là của chính Hồ Tây, giống tôm nhỏ con nhưng chắc thịt, vỏ mềm và ăn rất ngọt. Thêm vào đó là một chút khoai lang ở đồng bãi sông Hồng thái sợi làm cho bánh xù xì hơn nhưng ăn giòn và có mùi thơm nhẹ.
Trong tài sản ẩm thực Hà Nội thì bánh tôm ra đời muộn - vào khoảng những năm 30 thế kỷ trước. Ban đầu chỉ là món ăn chơi bình dân nhưng thời bao cấp, Công ty ăn uống Hồ Tây đã làm món đặc sản này trở lên nổi tiếng. Sự nổi tiếng này cũng một phần nhờ quán nằm ở ven Hồ Tây, một trong những địa danh lãng mạn nhất Hà Nội, được nhiều ông vua triều Trần cách đây hơn 8 thế kỷ chọn làm nơi ăn chơi. Lên Hồ Tây ăn bánh tôm hay ăn bánh tôm ở Hồ Tây trở thành khẩu ngữ quen thuộc không chỉ với rất nhiều người Hà Nội mà cả người tỉnh xa có cơ hội về Thủ đô trong thời chiến.
Ăn cùng với bánh tôm là rau sống, mùa đông và mùa xuân có rau xà lách, còn mùa hè là rau muống chẻ, nhưng phải là loại rau muống bè, có ở ao hồ Hà Nội ăn mới mềm và không chát. Một suất bánh tôm có 5 chiếc, mỗi chiếc 3 hào, ăn kèm với bia hơi 3 hào/cốc. Tính ra không rẻ, nhưng ngon, được ngắm cảnh đẹp, lại hưởng gió hồ mát rượi, nên khách ăn vẫn xếp hàng rồng rắn, nhiều bữa đợi cả tiếng đồng hồ.
Ngày ấy cách nay 40 năm, bánh tôm Hồ Tây là nơi liên hoan lý tưởng cho đám học sinh tốt nghiệp phổ thông, người sẽ bước vào cổng trường đại học cao vời vợi, người sẽ trở thành công nhân hoặc lên đường nhập ngũ. Quán Bánh tôm Hồ Tây cũng còn là nơi hẹn hò của nhiều mối tình đầu đời, nơi chia ly giữa một cô gái Hà Nội và một anh lính ngày mai ra trận... Trong ba lô của anh lính ấy, có thể là bức ảnh ở Bánh tôm Hồ Tây.