Bệnh nhân HIV có thể được chữa khỏi bằng cách nào?

Mai Linh (theo Live Science)-Thứ tư, ngày 29/03/2023 11:00 GMT+7

Timothy Ray Brown, người đầu tiên được chữa khỏi HIV (Ảnh:Getty Images)

VTV.vn - Các nhà khoa học đang nghiên cứu phát triển các phương pháp chữa trị căn bệnh HIV và phổ biến chúng trong tương lai.

Trong 20 năm qua, một số ít người đã được chữa khỏi virus gây suy giảm miễn dịch HIV, virus AIDS bằng các phương pháp y tế chuyên sâu. Trong các trường hợp này, bệnh nhân dường như không còn nhiễm HIV, các triệu chứng của họ đã thuyên giảm trong thời gian dài và vì vậy, HIV được coi là căn bệnh "có thể" chữa khỏi. Tất các những bệnh nhân đều được điều trị bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc, với các tế bào được thu thập từ tủy xương của người trưởng thành hoặc từ máu cuống rốn.

Phương pháp chữa trị dứt điểm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 2008. Kể từ đó, đã có thêm ba phương pháp chữa trị dứt điểm và ba phương pháp chữa trị khả thi được báo cáo, hai trong số chúng được ra mắt vào đầu năm 2023. Các phương pháp điều trị này hiện rất rủi ro và không thể tiếp cận được đến phần lớn người nhiễm HIV trên thế giới. Tuy nhiên, chúng có thể trở nên phổ biến hơn trong tương lai. Các bệnh nhân được kéo dài tuổi thọ và giảm nguy cơ lây lan virus bằng liệu pháp kháng virus (ART), nhưng thuốc phải được sử dụng hằng ngày và suốt đời.

Ngoài việc dương tính với HIV, tất cả các bệnh nhân đều mắc một số dạng ung thư như bạch cầu dòng tủy cấp tính hoặc ung thư hạch Hodgkin. Để điều trị đồng thời bệnh ung thư và HIV cho những bệnh nhân này, các bác sĩ đã tìm kiếm tế bào gốc từ những người có hai bản sao đột biến gen hiếm gặp: CCR5 delta 32. Đột biến này vô hiệu hóa protein CCR5 trên bề mặt tế bào mà nhiều chủng HIV sử dụng để phá vỡ và xâm nhập.

Để chuẩn bị cho ca cấy ghép, các bệnh nhân phải trải qua quá trình xạ trị hoặc hóa trị tích cực để quét sạch các tế bào T gây ung thư và dễ bị nhiễm HIV trong cơ thể. Điều này làm suy yếu hệ thống miễn dịch của người bệnh cho đến khi các tế bào gốc được cấy ghép có thể tạo ra các tế bào miễn dịch mới, kháng HIV. Một thời gian sau khi cấy ghép, bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch để tránh bệnh ghép chống chủ (GVHD) - các tế bào miễn dịch được cấy ghép sẽ xâm nhập vào cơ thể mới.

Hầu hết bệnh nhân được nhận tế bào gốc lấy từ tủy xương của người hiến tặng trưởng thành. Các tế bào này phải "khớp" - cả người cho và người nhận đều phải mang các protein cụ thể được gọi là HLA. Sự không phù hợp HLA có thể dẫn đến phản ứng miễn dịch nặng nề. Một bệnh nhân - người phụ nữ đầu tiên được cấy ghép tế bào đã nhận được tế bào gốc từ máu cuống rốn thời điểm sinh em bé. Những tế bào chưa trưởng thành này dễ thích nghi với cơ thể người nhận hơn và cần ít “khớp” hơn. Các tế bào gốc dây rốn không cần một sự kết hợp hoàn hảo và chúng dễ lấy hơn tủy xương nên phương pháp này có thể được dùng cho nhiều bệnh nhân hơn trong tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước