Bộ sưu tập di sản Hoàng tộc Chăm là nơi hội tụ đầy đủ các giá trị về lịch sử ra đời của vương triều Chăm xưa, về trang phục, trang sức, vương miện, vũ khí, đồ ngự dùng trong hoàng cung,… được các đời hậu duệ vua Chăm lưu giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ sau, trải qua hơn 400 năm.
Vương miện Vua và búi tóc Hoàng hậu bằng vàng, thế kỷ 17
Trước năm 1975, bộ sưu tập di sản văn hóa Hoàng tộc Chăm được cất giữ kín trong kho vì những lý do tâm linh, tín ngưỡng và phần quan trọng khác là an ninh, an toàn cho di sản và người bảo vệ di sản. Cho đến những năm 1991 - 1992 thì việc khảo sát, nghiên cứu và lập hồ sơ khoa học Đền thờ vua Po Klaong Mâhnai và bộ sưu tập mới từng bước được tiến hành và hoàn thành, trình Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng tại Quyết định số 43/VH/QĐ ngày 7/1/1993.
Sắc phong của triều Vua Khải Định thứ 9 trong bộ sưu tập Hoàng tộc Chăm
Kho mở Bộ sưu tập di sản văn hóa Hoàng tộc Chăm được đặt tại nhà bà Nguyễn Thị Thềm, hậu duệ Hoàng tộc Chăm, cách quốc lộ 1A khoảng 30m về hướng Bắc thuộc thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình.
Nơi đây trưng bày hơn 100 hiện vật nguyên gốc mang đậm giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc Chăm và được phân thành 8 nhóm sưu tập. Trong đó, giá trị nhất là bộ vương miện của vua Pô Klong Mơh Nai vào đầu thế kỷ XVII và búi tóc của Hoàng hậu Pô Bia Som bằng chất liệu vàng với đường nét chạm khắc hoa văn rất tinh xảo, độc đáo, cùng với bộ trang phục của Vua, Hoàng hậu, Hoàng tử và Công chúa, chiếc áo bào với hoa văn cổ và ngực áo đều thêu dệt nên hình con Makara, các sắc phong của vua triều Nguyễn…
Áo bào Vua Chăm thế kỷ 17
Mô hình kho mở Bộ sưu tập di sản Hoàng tộc Chăm là điểm tham quan thú vị, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về một nền văn hóa lâu đời của đồng bào Chăm ở Bình Thuận
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!