Cảnh báo: các vụ thử tên lửa có thể xóa sổ hoàn toàn trạm vũ trụ quốc tế

Mai Linh (theo Live Science)-Chủ nhật, ngày 21/11/2021 16:17 GMT+7

(Ảnh: Getty Images)

VTV.vn - Một vụ thử tên lửa của Nga mới đây đã làm nổ vệ tinh do thám Kosmos thành hơn 1.500 mảnh vụn.

Vào rạng sáng thứ ba ngày 16/11 vừa qua, phi hành đoàn 7 người của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã phải đối mặt với tình trạng báo động do một vụ thử tên lửa của Nga làm nổ vệ tinh do thám Kosmos. Vệ tinh này đã bị phân tách ra thành hơn 1.500 mảnh và một vài trong số đó đã tiến tới đủ gần để ISS phải chuẩn bị cho một vụ va chạm khẩn cấp.

Theo NASA, 4 phi hành gia người Mỹ, 1 người Đức và 2 người Nga trên trạm đã được yêu cầu trú ẩn trong các khoang vận chuyển trong khi trạm bay qua đám mảnh vụn nhiều giờ đồng hồ sau đó. Cuối cùng, cuộc di chuyển đã kết thúc mà không có bất kỳ thiệt hại hoặc thương tích nào được báo cáo trên ISS.

NASA cho biết các mảnh vỡ không gian giống loại được tạo ra từ Kosmos có thể di chuyển với tốc độ lên tới 28.000km/h, thậm chí một mảnh vụn cỡ bằng hạt đậu cũng tiềm ẩn nguy cơ trở thành một tên lửa gây chết người ở quỹ đạo thấp gần Trái Đất.

John Crassidis – giáo sư tại Đại học Buffalo ở New York, người cộng tác cùng NASA để theo dõi các mảnh vỡ không gian cho biết: “Một lỗ thủng chỉ rộng khoảng 1,3cm cũng có thể gây ra những thiệt hại về mặt cấu trúc không thể sửa chữa và từ đó xóa sổ hoàn toàn trạm vũ trụ”.

Cảnh báo: các vụ thử tên lửa có thể xóa sổ hoàn toàn trạm vũ trụ quốc tế - Ảnh 1.

(Ảnh: Numerica Corporation)

Đây là một vấn đề đáng lo ngại khi các mảnh vỡ vũ trụ hay rác không gian xung quanh Trái Đất đã tăng lên theo cấp số nhân trong vòng 60 năm qua. NASA hiện đang phải theo dõi hơn 27.000 mảnh vỡ vũ trụ có kích thước lớn hơn một quả bóng mềm và sử dụng nhiều mô hình máy tính để ước lượng vị trí của hàng triệu mảnh nhỏ hơn.

Crassidis cho biết nếu một mảnh vỡ không gian có nguy cơ va chạm vào vệ tinh hoặc tàu vũ trụ lớn hơn tỉ lệ 1/10.000 thì NASA sẽ đưa ra một vài thao tác để di chuyển chiếc tàu nguy hiểm ra khỏi đường đi của mảnh rác. Tuy nhiên, việc di chuyển này vô tình lại có thể đưa con tàu đó vào đường đi của một mảnh vỡ khác. Theo Crassidis, đó là một vấn đề rắc rối, lộn xộn và vô cùng khó khăn.

Kể từ năm 1999, ISS đã thay đổi hướng đi 25 lần để tránh va phải các mảnh vỡ, đồng thời được gia cố bởi hơn 100 tấm chắn va đập xung quanh trạm. Nhiều vết lõm và hằn bên ngoài ISS cho thấy nó đã từng bị va phải. Tháng 6 vừa qua, một mảnh vụn thậm chí đã khoét một lỗ vào cánh tay robot của trạm nhưng may mắn gây ra ít thiệt hại.

Với các phi hành gia, rác vũ trụ còn nguy hiểm hơn nữa vì chỉ một mảnh rác rất nhỏ cũng có thể giết chết một phi hành gia đang làm nhiệm vụ ngoài không gian. Những bộ đồ vũ trụ khó có thể bảo vệ được họ khỏi các mảnh vỡ bay với tốc độ 27.000km/h.

Crassidis cho biết hiện nay chưa có luật pháp quốc tế nào ngăn cản các quốc gia tiến hành thử tên lửa với quỹ đạo thấp như Nga làm mới đây. Điều này có thể dẫn đến nhiều tai nạn, thiệt hại đáng kể trước khi vấn đề rác vũ trụ được xem trọng. Tuy nguy hiểm nhất thời đã qua đi, ISS sẽ còn cần phải xem xét cẩn trọng và đưa ra nhiều biện pháp đề phòng những mảnh vụn từ vụ nổ Kosmos vừa rồi trong nhiều năm, nhiều thập kỷ nữa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước