Cô gái 3 lần bị “bắt” về làm vợ: Quyết tâm làm chủ cuộc đời

Bích Ngọc-Chủ nhật, ngày 03/03/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - Cuộc đời mình phải do mình làm chủ, đó là lý do khiến cô gái trẻ người dân tộc Mông Sùng Thị Sơ đã dũng cảm vượt nghịch cảnh 3 lần bị ép kéo đi làm vợ.

Trong những ngày gần đây câu chuyện về tục kéo vợ của một số tỉnh miền núi lại rần rần trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Tục "Kéo vợ" vốn là nét đẹp văn hóa, thể hiện tự do hôn nhân, mưu cầu hạnh phúc của những đôi trai gái yêu nhau nhưng bị ngăn cản, ràng buộc bởi sính lễ. Tuy nhiên, tập tục hiện nay đang bị biến tướng, khiến nhiều cô gái trẻ đang tuổi đến trường bỗng dưng thất học, phải lấy chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn. Bao hệ lụy về đói nghèo, dân số và những ước mơ của tuổi trẻ phải bỏ ngỏ. Thậm chí nhiều cô gái tuy thoát được khỏi những vụ cướp vợ cũng khó có thể vượt qua được những lời đàm tiếu, những ánh mắt dò xét, phải đối diện với định kiến của xã hội, gặp khó khăn với những mối quan hệ sau này.

Và câu chuyện về cô gái dũng cảm với ước mơ trở thành luật sư trong tương lai sau 3 lần bị kéo đi làm vợ một lần nữa nhận được sự ủng hộ, cảm thông từ cộng đồng mạng.

Sùng Thị Sơ sinh năm 2002, là một cô gái dân tộc Mông, lớn lên tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Gia đình đông anh em, khó khăn nhưng cô không ngừng phấn đấu, vươn lên. Hiện tại, Sùng Thị Sơ đã sắp hoàn thành năm 4 trường Đại học Luật Hà Nội trước sự ngưỡng mộ, tự hào của những người xung quanh. Không chỉ có thành tích học tập tốt, Sùng Thị Sơ còn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội đặc biệt là các hoạt động ngăn ngừa tảo hôn, kêu gọi các cô gái trẻ biết bảo vệ mình và chống lại các hủ tục lạc hậu.

Cô gái 3 lần bị “bắt” về làm vợ: Quyết tâm làm chủ cuộc đời - Ảnh 1.
Cô gái 3 lần bị “bắt” về làm vợ: Quyết tâm làm chủ cuộc đời - Ảnh 2.

Phóng viên Thời báo VTV đã có dịp ngồi trò chuyện với Sùng Thị Sơ để hiểu hơn về quá khứ cũng như ước mơ và quá trình vươn lên của cô gái trẻ người dân tộc Mông.

- Em có thể chia sẻ một chút về câu chuyện 3 lần từng bị "ép đi làm vợ" của mình?

Người Mông có tục "kéo vợ" đã được lưu truyền từ xưa tới nay, theo đúng tập tục thì bạn nam và bạn nữ đã thoả thuận hẹn nhau thời gian địa điểm để kéo về làm vợ, và điều quan trọng là bạn nữ tự nguyện đồng ý việc này. Tuy vậy, có lẽ một bộ phận giới trẻ đã nhận thức chưa đúng về tập tục dẫn đến những trường hợp bạn nữ bị cưỡng ép kéo về làm vợ. Và mình là một trong những nạn nhân của điều này, tới 3 lần.

Lần đầu tiên là năm lớp 8 khi đang đi chơi Tết với em gái thì bị một anh đến kéo. Lúc đó cả mình và em gái đều quá sợ hãi, nhưng sau khi em gái khóc lên thì các cô chú ngồi ở bên cạnh có lên tiếng ngăn cản anh kia rằng nếu không có ý định lấy con gái người ta thì đừng kéo như vậy sẽ ảnh hưởng danh dự, và cũng may là anh thanh niên đó đã bỏ ra, sau đó mình nhanh chóng trốn về nhà.

Lần thứ hai khi chuẩn bị vào lớp 10: bạn nam này là người quen họ hàng xa nhà mình sống ở Phú Thọ, mình chỉ mới gặp một lần khi bạn này đến nhà ăn cơm. Bạn đã lừa mình bố mẹ mình là bị mất giấy tờ và nài nỉ bố mẹ cho mình đi tìm giấy tờ cùng bạn ấy, nhưng lại kéo mình lên xe cùng hai người nữa và đưa mình đi. Khi đó mình còn nhỏ và chưa biết gì nhưng thấy xe đã đi xa sang xã khác thì mình rất hoảng sợ và biết là bạn ấy thực sự định bắt mình làm vợ. Cũng may là trên đường thì họ gặp và có xô xát với một nhóm thanh niên ở chỗ mình rồi bị tạm giữ để điều tra nên mình đã có cơ hội gọi điện về nhà cho bố mẹ để báo tin bị lừa bắt. Nhờ vậy mình đã thoát được việc bị kéo vợ lần 2. Theo phong tục thì sau khi người nữ bị kéo về nhà bạn nam ở qua 3 ngày sẽ bị coi như đã thành vợ của bạn đó, rất nhiều người dù không tự nguyện nhưng sau đó buộc phải chấp nhận sống như vậy.

Lần thứ ba khi chuẩn bị đi thi THPT quốc gia, cũng là lần kinh khủng nhất trong đời mình: Khi đó mình đang theo học cấp 3 ở Sơn Tây nhưng do COVID-19 nên mình ở nhà chuẩn bị ôn thi. Trong khi cả nhà đi làm, mình ở nhà ôn bài thì bạn nam đó cùng nhóm bạn đến nhà mình rủ đi chơi nhưng mình từ chối vì mình biết là nó không đơn giản như vậy, nhưng dù mình đã từ chối thì họ vẫn cứ nhất quyết kéo, bế mình đi về nhà họ ở rất sâu trong rừng dù mình cố vùng vẫy, họ còn thu điện thoại của mình. Sau này mình biết là họ đã lên kế hoạch bắt mình từ mấy ngày trước. Trên đường đi mình đã nghĩ đến chuyện nhảy xuống khỏi xe nhưng mình lại lo là nếu bị tai nạn thì sẽ không thi THPT quốc gia được. Khi đến nhà họ mình cũng chống trả hết sức, nhất quyết không chịu nghe theo sự sắp xếp của họ, và cố tìm cách nói với bố mẹ mình rằng mình không muốn, dù mình biết có thể khả năng trốn thoát chỉ có 0.01%. Sau đó lợi dụng lúc nhà họ bảo mình đi phun thuốc sâu vào chiều hôm sau, mình đã gọi điện cho bố rồi tìm đường trốn về, mình xin sự giúp đỡ của người đi đường, và bố mình cũng đứng ra nói chuyện với gia đình bạn nam kia về việc phải tôn trọng ý muốn của mình. Thời điểm đó rất nhiều người làng cũng như người nhà bạn kia đều chỉ trích mình, mình cảm thấy rất tồi tệ nhưng rồi dần dần mình đã bình tâm lại để ôn thi.

Cảm xúc mỗi khi bị bắt luôn là sợ hãi, hoang mang vì không tin mình sẽ phải lấy người xa lạ này làm chồng bởi lẽ chưa từng yêu đương, cũng không biết gì về nhau, mình cảm thấy bản thân không được tôn trọng (trái ý muốn của mình) và không biết nên làm gì ngay giây phút đó để có thể cầu cứu ai. Dẫu vậy, em luôn tin chắc rằng đây không phải là cuộc sống mình hằng mong ước, mình khao khát được đi học, đi tìm con chữ, mình muốn tìm cách để phát triển chính mình, ít nhất là tự chủ cuộc đời của chính mình. Bởi vậy, dù đã 3 lần bị "bắt" thì em vẫn luôn tìm cách để chạy trốn dẫu em biết chỉ có 0,01% cơ hội quay về như lần thứ 3 là trên đấy còn không có sóng, và bị giữ điện thoại, cách đường quốc lộ rất xa. Niềm tin, sự khát khao thay đổi hoàn cảnh của em lớn hơn cả sự sợ hãi bị soi mói, dè bỉu từ nhiều người xung quanh.

- Cảm xúc của em khi thấy hiện thực những cô gái dân tộc vùng núi sớm phải chịu thiệt thòi lập gia đình sớm, ép lấy chồng và quẩn quanh trong những cuộc hôn nhân không hạnh phúc?

Hồi cấp 1 em có một hội bạn chơi chung, nhưng sau đó các bạn lần lượt đi lấy chồng khi mới lên lớp 7, lớp 9, và lớp 11. Em nhận thấy được rằng, khi người ta lấy chồng quá sớm thì tâm sinh lý chưa phát triển đủ, chưa có những kiến thức xã hội cơ bản, hay đơn giản là gặp nhiều vấn đề tâm lý của phụ nữ mang thai, khó khăn khi tìm cách nuôi dạy con cái... Hiểu biết còn thiếu nhưng rất nhanh đã phải làm dâu, làm vợ, làm mẹ; và đối với em đây là một trách nhiệm quá lớn và nặng nề.

Và bên cạnh đó là khi lập gia đình sớm như thế thì tài chính phần lớn đều sẽ phụ thuộc vào người chồng, gia đình chồng. Bởi lẽ vậy mà ít có sự chủ động trong chính cuộc hôn nhân của mình, bị phụ thuộc cả về thể xác lẫn tinh thần. Có những trường hợp vì thế mà người phụ nữ dù chịu khổ hơn nữa cũng sợ sẽ không thể tìm được ai khác ngoài người đàn ông ấy.

Khi chứng kiến những điều đó, em cảm thấy khá đáng tiếc cho những trường hợp bạn nữ không tự nguyện và kết hôn khi còn quá sớm. Hoặc thậm chí có những bạn quá nhỏ để nhận thức được rằng là: đây có phải là cuộc sống mà mình muốn hay không? Là một nữ thanh niên có nhiều ước mơ, em muốn trải nghiệm nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn ở lứa tuổi này và không ngừng tìm cách phát triển bản thân mình. Em nghĩ đáng ra các bạn của em cũng nên có những cơ hội giống như em.

Vì thế em muốn thay đổi tình trạng này và em cảm thấy rằng bản thân có thể đóng góp được một phần cho sự thay đổi đó. Khi đi học Đại học, em đã tích cực tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa hướng tới bình đẳng giới nói chung cũng như là ngăn ngừa tảo hôn nói riêng. Em đăng ký làm thành viên Ban Tham vấn Thanh niên của Plan International Việt Nam, đảm nhiệm vị trí Trưởng ban Nhân sự, Đại diện Ban tham dự hội thảo cấp khu vực của Plan International để lên kế hoạch hoạt đồng ngăn ngừa tảo hôn trên toàn khu vực, cũng như gần đây nhất là chia sẻ câu chuyện của em khi tham gia thử thách #tuoitredanggia nhằm kêu gọi mọi người cùng chung tay ngăn ngừa tảo hôn.

Cô gái 3 lần bị “bắt” về làm vợ: Quyết tâm làm chủ cuộc đời - Ảnh 3.

- Điều gì đã thôi thúc em mạnh mẽ vượt qua những hủ tục lạc hậu ở quê và cố gắng vươn lên để thi đỗ một trong những ngôi trường top đầu ở Hà Nội?

Lý do chọn ĐH Luật Hà Nội vì em cảm thấy bản thân vẫn nên biết cách bảo vệ chính mình, em đã từng 3 lần bị bắt và em đủ nhận thức rằng đấy không phải là ý muốn của em. Em không muốn có những trường hợp giống như em mà các bạn đấy không vượt qua được vì những định kiến, những nguyên nhân khách quan khác. Em sẽ không thể lay chuyển được ai cả nếu chính mình cũng không chịu thay đổi, không chịu học hỏi và không có ước mơ. Hiện tại em đã bảo vệ xong khoá luận tốt nghiệp và đang chờ xét tốt nghiệp tại trường.

Khi đối mặt với nhiều khó khăn trong lúc học tập, em vẫn luôn cố gắng vượt qua vì ba lý do. Đầu tiên là sự ủng hộ của gia đình: bố mẹ em luôn ủng hộ và hỗ trợ em theo đuổi ước mơ của mình. Thứ hai là em luôn giữ tinh thần lạc quan và quyết tâm, tin tưởng rằng nếu mình cố gắng thì mình có thể tạo ra những thay đổi tích cực trong tương lai, dù hiện tại có khó khăn thì sự quyết tâm sẽ giúp em vượt qua các trở ngại. Cuối cùng là em gặp được nhiều người có chung định hướng và mong muốn cho tương lai mà ở đó trẻ em gái đều có thể tự tin thực hiện ước mơ, tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống, ví dụ như các bạn trong Ban tham vấn thanh niên của Plan International, em không cảm thấy đơn độc trên hành trình của mình và có thể học hỏi thêm nhiều từ chính các bạn đó.

- Ước mơ của em là gì và em mong muốn làm gì để giúp cho những bạn trẻ giống em có được một cuộc sống tốt hơn?

Em sẽ kiên trì với ngành Luật trong thời gian tới. Em ước sẽ có một sân khấu do chính em tạo nên, ở đó không có trọng nam khinh nữ, mỗi một bạn trẻ đều có những năng lượng, động lực để làm chủ và được học cách làm chủ, được biết về các quyền của chính mình... Em thấy rằng, chỉ cần chúng ta tạo ra một môi trường an toàn, thuận lợi thì các em sẽ phát huy được những tiềm năng của mình. Nhận thức đúng sẽ đi đúng. Và em tin chắc, lớp trẻ rất giỏi, và là động lực để thay đổi mỗi ngày một văn minh hơn.

Bản thân em biết rằng để thay đổi một điều gì thì cũng đều cần thời gian. Đây là một hành trình rất dài. Như Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã ước tính là cần 130 năm nữa để thế giới thực sự đạt được bình đẳng giới. Nhưng hành trình dài đến đâu thì khi ta có quyết tâm và lạc quan tin tưởng vào khả năng thay đổi, ta sẽ tìm được cách phù hợp để tạo ra thế giới tốt đẹp mà mình mong đợi.

Và để thực hiện mong muốn của bản thân thì ngoài giờ ngồi trên ghế giảng đường, em đã tham gia một số hoạt động như: Cựu thành viên của Câu lạc bộ sinh viên Mông tình nguyện tại Hà Nội, Cựu trưởng ban của Hội đồng hương sinh viên Yên Bái tại Hà Nội hay thành viên ban Nhân sự của YNet Việt Nam, thành viên ban Dự án của Quỹ Xã hội và cộng đồng, Trưởng ban Nhân sự Ban tham vấn Thanh niên cấp Quốc gia của PlanInVietNam, là một U - Reporter của UNICEF; hiện em là một trong 15 tham luận viên tại Đông Nam Á thuộc Quỹ Trẻ em toàn cầu. Và tham dự một số hội nghị, hội thảo như: Bàn tròn Thanh niên về chương trình phát triển số 16 của Liên hợp quốc, hội thảo về Tảo hôn cấp khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Nepal... Qua đó, em đã học hỏi được không chỉ kiến thức, kỹ năng cần thiết để chuẩn bị cho những bước tiếp theo mà em còn gặp gỡ được rất nhiều người cùng chung chí hướng, tiếp thêm cho em nguồn động lực phấn đấu.

Việc em chia sẻ câu chuyện của bản thân về 3 lần bị bắt vợ để tham gia thử thách #tuoitredanggia #noikhongvoitaohon cũng là hành động mà em hi vọng rằng qua câu chuyện của bản thân có thể giúp lan tỏa thông điệp rằng tuổi trẻ có rất nhiều hi vọng, cơ hội còn mở cửa với các bạn trẻ, để qua đó các bạn nhận thức rõ ràng hơn và cùng chung tay ngăn ngừa tảo hôn.

Cô gái 3 lần bị “bắt” về làm vợ: Quyết tâm làm chủ cuộc đời - Ảnh 4.
Cô gái 3 lần bị “bắt” về làm vợ: Quyết tâm làm chủ cuộc đời - Ảnh 5.

- Rời xa quê hương lên thành phố học em gặp nhiều khó khăn, áp lực hay không? Dự định tương lai của em như thế nào?

Em đi học xa nhà từ khi 11, 12 tuổi nên khi lên đại học đã dần quen với việc tự lập. Điều khó khăn nhất khi em đi học đầu tiên phải kể đến là vấn đề ngôn ngữ, bởi lẽ tiếng mẹ đẻ là tiếng H'mông và ngay từ khi sinh ra em được dạy tiếng H'mông. Với em, tiếng Kinh là ngôn ngữ thứ hai của mình. Em phải học nghe, nói từ những cái cơ bản nhất và thời gian đầu khá khó khăn.

Khó khăn lớn thứ hai là vấn đề kinh tế, em khó khăn trong việc chi trả học phí, chi phí sinh hoạt tại Hà Nội. Giải pháp của em là vừa học vừa làm, thậm chí có những thời điểm làm 4, 5 công việc để đủ chi trả chi phí của mình.

Và điều khó khăn lớn cuối cùng là sự dị nghị, chê bai của hàng xóm tới chính bản thân em, gia đình em bởi lẽ họ cho rằng: "Em chỉ là con gái thôi".

Đối mặt với những khó khăn đó, em có thể vượt qua được và nỗ lực học tập, hoạt động tốt không chỉ nhờ quyết tâm của bản thân mà còn do sự ủng hộ của gia đình và cảm hứng từ các bạn trẻ khác.

- Sự ủng hộ của gia đình: Bố mẹ em luôn là người ủng hộ tất cả những quyết định của em, như cách em học, em có cố gắng hay không, em chọn học trường gì, ở đâu... Chỉ cần em mong muốn thì dù khó khăn về kinh tế, bố mẹ luôn là điểm tựa vững chắc cho em, sẵn sàng chịu khổ chỉ để chị em chúng em được đi học. Em vô cùng trân quý tình yêu này, sự hy sinh này, dù em biết bố mẹ sẽ không đọc được những dòng chữ này vì ngày xưa không có cơ hội được đi học. Và bố mẹ đã giúp em bước đi những bước đầu tiên trong hành trình đi tìm chữ của mình.

- Tinh thần quyết tâm và lạc quan: Em tin rằng nếu mình cố gắng thì mình có thể tạo nên sự thay đổi tích cực trong tương lai, cho chính bản thân mình, gia đình mình, những người xung quanh mình. Dù hiện tại có khó khăn thì khát khao đấy đủ lớn để em kiên trì thêm nữa. Em chắc rằng người khác đã và đang làm được thì bản thân em cũng thế, thậm chí em có thể nỗ lực hơn để tốt hơn.

- Em gặp được rất nhiều người cùng chung chí hướng, mục tiêu qua trường lớp, bạn bè, các hoạt động em đã tham gia. Không chỉ em, mà rất nhiều bạn đã và đang cố gắng từng ngày để tạo ra sự thay đổi tích cực trong tương lai. Em tin vào thế hệ trẻ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền", em luôn tin tưởng vào điều đó. Em nghĩ khi mình có sự kiên trì, sự chủ động học hỏi cùng với tinh thần lạc quan, ý chí vươn lên, mình vì mình và cũng vì mọi người thì chắc chắn mình sẽ đạt được những ước mơ của bản thân và đóng góp tích cực cho xã hội.

- Em đã làm chủ cuộc sống của mình, tự quyết định tương lai của chính mình. Vậy cô bé Sùng Thị Sơ mong muốn có được một cuộc sống hôn nhân như thế nào trong tương lai?

Em chưa có người yêu và hiện tại cũng chưa nghĩ tới hôn nhân vì em mong muốn dành thời gian để trau dồi bản thân hơn. Em còn rất nhiều ước mơ, nhiều điều phải làm phía trước.

Cảm ơn những chia sẻ của em!

'Cướp vợ' có thể bị truy cứu nhiều tội danh cùng lúc

'Cướp vợ' có thể bị truy cứu nhiều tội danh cùng lúc

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước