Bằng cách sử dụng gạch cách nhiệt, tạo thành những hòn đảo nhỏ, con người sẽ sống được trên Sao Hỏa.
Theo đó, loại gạch cách nhiệt trên là sản phẩm của nền công nghệ khoa học hiện đại. Loại vật liệu chủ yếu được tạo thành từ silica aerogel này được tin là sẽ cách nhiệt cho hành tinh chống lại sự băng giá.
Các mô hình máy tính và thí nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy, một mái che dày khoảng 1 inch (2 - 3cm) làm từ silica aerogel có thể truyền đủ ánh sáng để hệ thực vật quang hợp, phát triển. Nó cũng sẽ chặn bức xạ UV nguy hiểm.
Sao Hỏa vẫn là nơi có khí hậu khắc nghiệt đối với sự sống của con người. (Ảnh: Daily mail).
Giáo sư Robin Wordsworth, một Kỹ sư tại đại học Harvard, Mỹ cho biết: "Với cách tiếp cận này, việc sống được trên Sao Hỏa có nhiều hy vọng hơn so với việc điều chỉnh khí quyển toàn cầu".
"Không giống như những ý tưởng trước đây trong việc làm cho Sao Hỏa có thể sinh sống được, đây là thứ có thể được phát triển và thử nghiệm một cách có hệ thống với các vật liệu và công nghệ mà chúng ta đã có", giáo sư Robin Wordsworth nói thêm.
Silica là khoáng chất rẻ tiền, được tạo thành từ silicon và oxy - hai trong số các nguyên tố phổ biến nhất trên hành tinh. Vật liệu này cũng đã được sử dụng để bảo vệ các động cơ đang thám thính trên Sao Hỏa.
Đồng tác giả, Tiến sĩ Laura Kerber, phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA ở California, Mỹ cho biết: "Sao Hỏa là hành tinh dễ sống nhất trong hệ Mặt trời của chúng ta ngoài Trái đất".
"Tuy nhiên, nó vẫn là một thế giới thù địch đối với nhiều dạng sinh tồn. Việc tạo ra một hệ thống những hòn đảo nhỏ có thể ở được sẽ cho phép chúng ta biến đổi Sao Hỏa theo cách có thể kiểm soát và mở rộng", Tiến sĩ Laura Kerber nói.
Theo kế hoạch đầy tham vọng của các nhà khoa học từ Mỹ và Anh, những viên gạch cách nhiệt sẽ được đặt ở các vùng ôn đới giàu băng trên hành tinh.
Các nhà khoa học cho biết, kế hoạch sẽ được triển khai trong vài thập kỷ tới. Tuy nhiên, kế hoạch này còn phụ thuộc rất nhiều vào các dự án khác, chẳng hạn như các dự án khám phá "hành tinh đỏ" của NASA và SpaceX.
Được biết, nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Nature.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!