Việc xử lý rác thải nhựa bằng cách đốt chúng sẽ thải ra các chất độc hại tồn tại trong môi trường hàng trăm năm, gây tổn hại đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Tuy nhiên, đốt rác thải ngoài trời lại là một trong những phương pháp phổ biến nhất ở Fiji, một quốc đảo xa xôi đang bị bao vây bởi "thủy triều nhựa". Chưa đến một phần ba rác thải nhựa của Fiji được sản xuất tại địa phương. Phần còn lại từ những nơi xa như Nam Phi và Mexico, trôi dạt theo các dòng hải lưu tới. Giống như hầu hết các quốc đảo Thái Bình Dương có diện tích nhỏ và nền kinh tế chậm phát triển, Fiji thậm chí không thể xử lý được rác thải nhựa của chính mình, chứ đừng nói đến lượng rác thải từ các quốc gia khác đổ vào.
Đốt rác là biện pháp gây tổn hại đến sức khỏe và hệ sinh thái
Tham vọng chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa gần như là điều không thể, do đó, một phong trào toàn cầu đang diễn ra để ngăn chặn việc sản xuất ngay tại nguồn. Fiji và các đảo quốc nhỏ đang bị ảnh hưởng nặng nề, yêu cầu Ủy ban Đàm phán liên chính phủ về ô nhiễm nhựa (INC) đưa ra một hiệp ước giảm thiểu tiêu thụ nhựa và buộc các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về việc xử lý bền vững các sản phẩm của họ.
Một hiệp ước như vậy có thể giáng một đòn mạnh vào chính Fiji Water - mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Fiji. Công ty nước đóng chai cao cấp này sản xuất, đóng chai và xuất khẩu hơn nửa tỷ chai mỗi năm. Nhưng vì mục tiêu phát triển bền vững, Fiji Water đã chấp nhận thay đổi. Công ty đã sử dụng nhựa PET tái chế trong 70% vỏ chai của mình và đến năm 2025, tỷ lệ này sẽ là 100%. Công ty cũng hỗ trợ chương trình mua lại vỏ chai tại 3 thành phố chính với giá 5 xu Fiji (0,02 USD) cho mỗi vỏ chai.
Người dân nhặt rác tại bãi rác lớn nhất Fiji
Sivendra Michael, Thư ký thường trực của Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Fiji, thừa nhận rằng, nhựa có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ ô nhiễm nhựa, bao gồm cả đất nước ông. Ông cho rằng, lệnh cấm các loại nhựa không khả thi bằng việc buộc các nhà sản xuất chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ cho đến hết vòng đời.
Hiện tại, mới chỉ có 23% vỏ chai nước Fiji Water được trả lại ở Fiji. Đây là một tỷ lệ rất nhỏ, nhưng vẫn là giải pháp tốt giúp quốc gia này có thể bắt đầu giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa của mình.
Chương trình thu mua lại vỏ chai của Fiji Water đang gợi ý cho Quốc hội nước này ban hành một đạo luật về thu đổi chai nhựa trên quy mô toàn quốc. Nhiều ý kiến cho rằng, 5 xu Fiji có thể là động lực để người dân trả lại vỏ chai nếu họ sống gần các trung tâm thu gom, nhưng có lẽ không đủ để các cộng đồng ở các hòn đảo xa xôi mang chai nhựa của họ đến một địa điểm tập trung. Giải pháp được đề ra là xây dựng các điểm thu gom trên mỗi hòn đảo, được quản lý bởi một hệ thống thu gom rác thải khu vực. Để làm được điều này, cần một khoản đầu tư không nhỏ.
Người phụ nữ Fiji thu gom chai nhựa để bán lại cho nhà sản xuất
Với các loại rác thải tái chế có giá trị cao như nhôm hoặc thủy tinh thì vẫn có thể tạo ra doanh thu để vận hành quy trình tái chế. Tuy nhiên, nhựa nguyên sinh lại rất nhiều và rẻ nên các nhà sản xuất cũng không mặn mà trong việc lựa chọn vật liệu tái chế có chi phí cao hơn. Trong dự thảo Hiệp ước INC sẽ được thông qua vào tháng 11 tới, Fuji đề xuất đánh thuế theo tấn đối với nhựa nguyên sinh. Số tiền này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các hệ thống thu gom rác thải và cơ sở hạ tầng tái chế ở những khu vực cần nhất. Về cơ bản, nó sẽ khuyến khích các nhà sản xuất sử dụng ít nhựa nguyên sinh hơn, đồng thời chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!