Tại bất cứ nhà hàng Nhật Bản nào, thực khách đều có cảm nhận như bước vào một đất nước Nhật Bản thu nhỏ. Chưa nói đến sức hấp dẫn của các món ăn, không gian thưởng thức cũng mang lại dấu ấn rất đặc trưng của đất nước Nhật Bản. Tính thẩm mỹ, sự tinh tế là một yếu tố quan trọng đưa nghệ thuật ẩm thực trở thành một tinh hoa văn hóa của đất nước Mặt Trời mọc.
Các món ăn, nhà hàng mang phong cách Nhật Bản ngày càng nở rộ và trở nên quen thuộc trên khắp Việt Nam. Người Nhật vẫn luôn tự hào về nền văn hóa ẩm thực đầy truyền thống của mình với những món ăn và nghệ thuật trang trí mà chỉ ở Nhật Bản mới có. Cùng với đó, một số quy tắc thưởng thức cũng làm nên dấu ấn riêng như nghệ thuật trà đạo. Và ngay cả những thực khách Nhật khi sang Việt Nam cũng rất hài lòng về khả năng tiếp thu, chế biến của các đầu bếp Việt.
Người Nhật Bản tới Việt Nam từ khoảng giữa thế kỷ 16, 17. Trải qua gần 400 năm, đến nay, văn hóa Nhật Bản, trong đó có ẩm thực đã trở thành một phần làm nên sự phong phú, đa dạng cho văn hóa Việt. Nhiều món ăn đặc trưng của Nhật Bản được người Việt Nam thuộc lòng như sushi, sasimi, tempura, bánh xèo, rượu Sake hay canh Miso...
Từ xưa, người Nhật Bản đã có “Tam ngũ” với các món ăn, đó là “Ngũ vị, ngũ sắc, ngũ pháp”. “Ngũ vị ” gồm ngọt, chua, cay, đắng, mặn; “Ngũ sắc” gồm trắng, vàng, đỏ, xanh, đen còn “Ngũ pháp” là sống, ninh, nướng, chiên và hấp. Các món ăn của Nhật được thực hiện luôn có mục đích giữ lại nhiều nhất các hương vị, màu sắc của thiên nhiên. Cảm quan về thiên nhiên, đặc biệt là các mùa xuân, hạ, thu, đông thể hiện rất rõ qua các món ăn truyền thống ấy, thông qua việc sử dụng các nguyên liệu thức ăn theo từng mùa và tạo cho thực khách cảm giác về từng mùa khi thưởng thức.