Đằng sau hình ảnh đàn ông "vào bếp"

VTV Digital-Thứ tư, ngày 08/03/2023 12:54 GMT+7

VTV.vn - "Vào bếp" không chỉ là vào bếp mà còn là chia sẻ áp lực cuộc sống để cùng xây dựng gia đình.

Bên cạnh những bó hoa, quà tặng mong được nhận trong ngày 8/3, việc người đàn ông của mình "vào bếp" chắc chắn là "món quà" mà nhiều chị em phụ nữ luôn mong muốn. Nhưng "vào bếp" không chỉ là vào bếp, là nấu nướng, là làm việc nhà..., mà "vào bếp" còn là một hình ảnh tượng trưng cho sự sẵn sàng đi làm, cùng chia sẻ của những người đàn ông trong gia đình mình. Đó mới là món quà mà chị em phụ nữ muốn nhận và muốn nhắc tới nhiều nhất trong ngày đặc biệt hôm nay.

Vợ chồng - Chuyện "kẻ lùi người tiến"

Mất việc vì dịch bệnh, đúng lúc đứa con đầu lòng ra đời, anh Vũ Tồn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) sẵn sàng lui về hậu phương để vợ được làm công việc ưng ý. Đổi vai cho nhau, anh giờ mới thấu hiểu cái cảnh ti tỉ việc không tên ở nhà và chăm con mọn cực đến thế nào.

Bắt đầu với công việc mới là ông bố bỉm sữa toàn thời gian, học mọi thứ từ thay tã, cho con ăn, ru con ngủ, rồi làm sao chơi với con được lâu... Nhưng anh chưa bao giờ nghĩ đó là một sự hy sinh.

Đằng sau hình ảnh đàn ông vào bếp - Ảnh 1.

Cuộc tình đẹp nhất không phải của Romeo và Juliet, mà là hai ông bà lão sống với nhau đến trọn đời. Gần 30 năm kết hôn cũng là từng ấy khoảng thời gian ông Lê Quang Điện (xã Ngọc Hồi, Huyện Thanh Trì, Hà Nội) luôn là hậu phương vững chắc cho bà Tạ Hồng Trang. Chiếc bàn may cho công việc làm thêm cũng được đặt ngay cạnh gian bếp, nơi ông coi là "cung điện" của chính mình.

Đằng sau hình ảnh đàn ông vào bếp - Ảnh 2.

Đàn ông vào bếp - Tại sao không?

Người ta vẫn thường nói "đằng sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ sẵn sàng hy sinh và hỗ trợ chồng". Nhưng thực tế ngày nay có lẽ nên đổi lại thành "đằng sau thành công của bất kỳ ai đều có bóng dáng của một người bạn đồng hành sẵn sàng hi sinh và hỗ trợ", bởi trong xã hội ngày nay cũng chẳng thiếu những người phụ nữ thành công.

Thực tế, dù công việc nhà đã trở thành điều bình thường với không ít bậc nam giới. Nhưng, theo báo cáo phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động - Việc làm của Tổ chức Lao Động quốc tế, phụ nữ trung bình vẫn đang dành số giờ gấp đôi nam giới để làm việc nhà. Thậm chí, 20% đàn ông Việt không hề làm việc nhà. Vậy nên, khi những người đàn ông với hình ảnh "vào bếp" nấu nướng cho gia đình, vợ con, những ý kiến trái chiều, nặng nề hơn là xúc phạm vẫn xuất hiện.

Những bữa cơm thường ngày mà anh Nguyễn Chính Nghĩa (TP Hà Nội) nấu cho vợ con được đặt một cái tên chung "Anh chồng ngoan" khi xuất hiện trên mạng xã hội. Thế nhưng, ngoan không đồng nghĩa là sẽ có "thưởng" - nhất là trong những ngày đầu dưới cách chấm của hàng vạn giám khảo online.

Thời gian đầu, vợ chồng anh Nghĩa cũng hay gặp những bình luận như: "Ông này chắc là sợ vợ", "ông này chắc là chạn vương", "ông này chắc là suốt ngày chỉ ăn bám vợ"…  Khi ấy, anh Nghĩa cảm thấy bị stress và cũng đi giải thích. Nhưng về sau, anh nghĩ cứ làm công việc bình thường của mình.

Đằng sau hình ảnh đàn ông vào bếp - Ảnh 3.

Gần 2 năm lập kênh, hình ảnh anh chồng ngoan với những bữa ăn khéo léo không còn phải nhận những hoài nghi kiểu "để xem được mấy bữa", "diễn được mấy hồi"… Bởi nó vẫn là điều bình thường trong công việc ở nhà của người chồng - dù có thể ít hơn vì anh đã đi làm lại sau đại dịch.

Đằng sau hình ảnh đàn ông vào bếp - Ảnh 4.

Còn người vợ, tất nhiên, ngoài nụ cười trong những bữa cơm "chồng nấu vợ vui" hay một khoản thu nhập thêm từ chính việc thường ngày của chồng mình vẫn là niềm hạnh phúc yêu và được yêu.

Áp lực "phải hoàn hảo" trên vai đàn ông

Việc người đàn ông vào bếp đang được không ít người lấy ra để làm ví dụ minh chứng cho việc đòi "quyền bình đẳng giới" của phụ nữ… Thực tế, quyền bình đẳng giới được bàn tới khi cả phái mạnh và phái yếu có thể làm những việc tương tự nhau. Thế nhưng, khi những phụ nữ hiện đại đang ngày càng thay đổi, mạnh mẽ và quyền năng hơn với các vai trò mới khi cắt bỏ dần các vai trò bị gắn mác truyền thống thì ở phía nam giới, quyền bình đẳng giới vô hình chung lại đang được nhiều người sử dụng để đặt lên vai những người đàn ông mẫu hình "đàn ông đích thực" với những chuẩn mực truyền thống.

Đằng sau hình ảnh đàn ông vào bếp - Ảnh 5.

Có những người phụ nữ hiện đại quan niệm là không cần phải vào bếp. Đàn ông là trụ cột, vừa phải là người kiếm ra kinh tế nhưng cũng là lo toan cho gia đình, từ việc nhỏ đến việc lớn. Đó là áp lực nữ quyền trên vai người đàn ông.

Ít nhất trong cuộc đời có 2 người phụ nữ sẽ đánh giá anh ta có chuẩn mực đàn ông đúng mực hay không đó là người mẹ và người vợ. Áp lực lớn nhất của đàn ông thời đại bây giờ là đồng tiền. Sự thành công của người đàn ông là thứ thiết yếu phải có trong cuộc sống. Sẽ có cả những người đàn ông họ tự đánh giá nhau lẫn những người phụ nữ đánh giá họ.

Cân bằng, sẻ chia và yêu thương

Sự hoàn hảo chắc chắn sẽ là tiêu chí "không tưởng" - tạo nên áp lực cho cả người phụ nữ lẫn nam giới trong cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống vợ chồng khi mà những con người với rất nhiều điểm khác nhau về chung sống với nhau… Và hành trình hạnh phúc của mỗi gia đình hẳn cũng không thể được xây nên từ hai mẫu hình hoàn hảo khi đứng cạnh nhau, mà thay vào đó là sự cân bằng với sẻ chia, yêu thương.

Đằng sau hình ảnh đàn ông vào bếp - Ảnh 6.
Đằng sau hình ảnh đàn ông vào bếp - Ảnh 7.

Khi hai vợ chồng dành tình yêu cho nhau thì sự chia sẻ công việc sẽ dễ dàng. Quan trọng đích đến chung của hai vợ chồng là vun vén cho gia đình.

Cân bằng với vợ mình, chồng mình thay vì so sánh vợ người ta, chồng người ta. Hạnh phúc gia đình, điểm đích ấy chưa hẳn sẽ thật gần, nhưng hành trình đến nó chắc chắn là hạnh phúc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước