Chính ngư cụ này đã tạo lập nghề đóng đáy hàng khơi độc đáo của vùng ven biển miền Tây. Nhờ cách đánh bắt quy mô này mà nhiều người đã đổi đời, nghề cùng người đã làm nên văn hóa biển đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Đáy hàng khơi có cách bố trí, tổ chức công phu gồm: cột đáy, rượng đáy, đõi đáy, nèo đáy, miệng đáy bằng lưới có hình chóp giăng ngang để đón luồng tôm cá… Chủ đáy là người đứng ra bỏ tiền để đầu tư dựng hàng đáy, thuê người có kinh nghiệm đi biển ra trông coi và kéo lưới.
Như những "người nhện" giữa biển, người làm nghề đóng đáy làm việc trên mực nước biển có độ sâu tầm 15-20m nên đòi hỏi phải có một tinh thần thép, một sức khỏe dẻo dai, mạnh mẽ, vừa phải uyển chuyển, khéo léo.
Theo các chủ đáy thì nghề đóng đáy đã có gần 150 năm. Dấu xưa vẫn còn hiện hữu đậm nét ở làng biển Mỹ Long, tỉnh Trà Vinh, được xem là nơi phát tích của nghề đóng đáy hàng khơi.
Đóng đáy hàng khơi là nghề độc đáo của vùng ven biển miền Tây.
Những năm cuối thế kỷ 19, khi ngư dân miền Tây vẫn quẩn quanh đánh bắt thủy sản ở sông rạch, ông Cao Văn Huyền ở Bến Tre đến cửa sông Cổ Chiên, dòm đất đai ngó biển trời mà ra một quyết định táo bạo: dời hàng đáy trên sông ra biển.
Ông thuê trai tráng giỏi lặn, kiếm cột kèo chắc chắn, để thử cặm cột đóng đáy. Khi những hàng đáy ban sơ được dựng lên thành công, cũng là lần đầu bà con vỡ òa trước luồng cá biển mắc lưới. Thế là trai tráng xin theo nghề, phụ nữ ở nhà lo các công đoạn phơi khô, lựa cá, vá lưới...
Tri thức về nghề đóng đáy được lưu truyền qua trăm năm là một cách người ta tưởng nhớ đến vị công thần khai sanh ra nghề.
Tuy sản vật thu được từ biển không còn dồi dào như trước, nhưng người dân nơi đây vẫn quyết bám nghề như một cách khẳng định giá trị của bản thân với những đức tính, kỹ năng mà không phải ai ngày một ngày hai cũng có được.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!