Với hơn 2 tỷ người dùng, Facebook hiểu rằng họ phải làm gì đó để bảo vệ cộng đồng nhiều hơn những gì một công ty công nghệ phải làm. Không chỉ tạo ra phương thức để mọi người liên lạc và chăm sóc lẫn nhau, các mạng xã hội đã vô tình trở thành một công cụ để mọi người chia sẻ những cảm xúc tiêu cực và đây cũng là nguồn gốc của những cái chết thương tâm bắt nguồn từ mạng xã hội.
Hãng tin AP dẫn một nghiên cứu mới đây tại Mỹ cho thấy càng sử dụng mạng xã hội nhiều sẽ thúc đẩy ý muốn tự tử của trẻ vị thành niên.
Emma Kitchener bị mắc chứng trầm cảm từ năm 13 tuổi. Vào năm 19 tuổi, cô gái trẻ này đã từng có ý định tự tử và đã chia sẻ trên mạng xã hội.
"Tôi cảm thấy dễ dàng hơn khi chia sẻ cảm xúc trên mạng xã hội thay vì nói ra. Thật sự tôi thấy khó khăn khi tâm sự với người khác về những nỗi niềm thầm kín nhất của mình" - Emma Kitchener cho biết.
Kitchener không phải là trường hợp cá biệt. Theo nghiên cứu mới đây của tạp chí khoa học tâm lý lâm sàng Mỹ, càng sử dụng mạng xã hội nhiều mong muốn tự tử ở trẻ vị thành niên càng thôi thúc hơn. Cụ thể, trong khoảng thời gian mạng xã hội bắt đầu trở nên phổ biến cách đây 1 thập kỷ, số trẻ vị thành niên tự tử tại Mỹ tăng gấp 4 lần. Cứ 100.000 trẻ vị thành niên nữ có 5 em tự tử, tỷ lệ này ở nam giới còn cao hơn là 14 em. Một trong những nguyên nhân là do tâm lý các bạn trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi những câu chuyện về cuộc sống của người khác trên mạng xã hội.
Báo cáo cũng đưa ra con số đáng lo ngại khi các em tuổi teen sử dụng mạng xã hội hơn 60 phút/ngày một ngày thì 70% trong số này cho biết họ đã từng có ý định tự tử.
Dành càng nhiều thời gian cho mạng xã hội nguy cơ bị trầm cảm càng cao.
Bà Emily Laux - Bác sĩ Tâm lý học nhi khoa, Bệnh viện trẻ em Colorado - cho biết: "Dành càng nhiều thời gian cho mạng xã hội nguy cơ bị trầm cảm càng cao. Mặt khác, mạng xã hội là nơi dễ nhất để những con người cùng hoàn cảnh và tình trạng tâm lý gặp gỡ nhau, từ đó có những hành động tiêu cực, thậm chí là tự tử".
Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để ngăn ngừa những tác động xấu từ mạng xã hội là nên hạn chế các em dành nhiều thời gian cho các hoạt động trực tuyến. Còn các bậc phụ huynh cũng nên tăng cường kiểm tra các trang web con cái họ truy cập và theo dõi bất kỳ thay đổi nào trong hành vi của các em.
Bên cạnh đó, nhiều ứng dụng giúp phát hiện nguy cơ tự tử trên mạng xã hội cũng đã ra đời, một trong số đó là ứng dụng mang tên Samaritans Radar. Ứng dụng này được kết nối với mạng xã hội Twitter sẽ ngay lập tức gửi lời cảnh báo tới người thân, gia đình hoặc bạn bè nếu có người thân hoặc bạn bè đăng những dòng chia sẻ tiêu cực. Những lời khuyên hữu ích giúp nói chuyện với họ cũng sẽ được cung cấp.
Ông Joe Ferns - người phát triển ứng dụng Samaritans Radar - cho biết: "Không phải ai cũng giỏi trong việc đưa ra lời khuyên cũng như có kỹ năng giúp người khác cảm thấy thoải mái hơn. Do đó, chúng tôi tạo ra ứng dụng này để giúp bạn dễ dàng nói chuyện khi người thân gặp khó khăn trong việc bộc lộ cảm xúc".
Ứng dụng trên có thể tải về miễn phí và truy cập được từ máy tính cũng như các thiết bị di động thông minh khác. Trong thời gian tới, ứng dụng này sẽ được phát triển để tương thích với các mạng xã hội phổ biến khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!