Đánh thức công viên địa chất: Nguồn lực quý của du lịch

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 03/12/2022 13:31 GMT+7

VTV.vn - Các công viên địa chất là nguồn lực quý báu cho du lịch văn hóa, du lịch khám phá, du lịch xanh cần được đánh thức mạnh mẽ và sôi động hơn.

Công viên địa chất toàn cầu là danh hiệu của UNESCO dành cho những khu vực có địa chất và địa mạo có ý nghĩa địa chất quốc tế. Tại Việt nam, hiện có 3 công viên địa chất toàn cầu là cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), công viên địa chất Non nước (Cao Bằng) và mới nhất là công viên địa chất Đắk Nông được công nhận năm 2020. Nói tới loại hình này là nhắc đến hệ thống hang động, núi lửa, hóa thạch, trầm tích biển, khoáng sản… nơi lưu dấu ấn như một cuốn nhật ký về lịch sử hình thành trái đất. Vì vậy, công viên địa chất nổi lên như là một loại hình mới trong lĩnh vực du lịch, được các địa phương quan tâm đầu tư phát triển.

Khai thác hiệu quả công viên địa chất toàn cầu

Công viên địa chất Đắk Nông là hệ thống hang động trong đá bazan đã được xác lập kỉ lục về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo. Trong các hang động còn ẩn chứa nhiều bí mật, tiềm năng lớn để phát triển mô hình du lịch sinh thái, thám hiểm.

Đánh thức công viên địa chất: Nguồn lực quý của du lịch - Ảnh 1.

"Hệ thống núi lửa ở Đắk Nông có từ xa xưa, ngoài ra hình dạng miệng núi lửa khá là đẹp và khác so với các hệ thống núi lửa trên thế giới", ông Takeshi Murase, nhà khoa học Nhật Bản chia sẻ về công viên địa chất Đắk Nông.

Đây cũng là khu vực có bề dày văn hóa, lịch sử, với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, di tích cấp quốc gia đặc biệt và 5 di tích cấp quốc gia khác. Đó là điều kiện để phát triển du lịch và bảo tồn.

PGS.TS Trần Văn Tân - Thành viên Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cho biết: "Khoanh vùng các di tích, các di sản để chúng ta đưa vào bảo tồn và phát triển du lịch. Còn những diện tích khác chúng ta hoàn toàn có thể phát triển kinh tế bình thường, miễn là hợp lý, hợp lệ".

Đánh thức công viên địa chất: Nguồn lực quý của du lịch - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Văn Tân - Thành viên Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

Các công viên địa chất có thể thu hút hàng nghìn du khách tới thăm mỗi năm, phát huy giá trị của di sản địa chất và phát triển kinh tế, xã hội cho người dân.

Cách đây vài ngày các chuyên gia đã khám phá thêm 175m hang động tại hang C7 thuộc công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông, khiến kỷ lục của hang động núi lửa dài nhất khu vực Đông Nam Á này càng tăng lên, hiện đã là 1.240m. Đây là thông tin làm nức lòng người. Những cảnh quan kỳ thú cùng nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa được đánh giá là tài nguyên đầy tiềm năng cho du lịch tương lai.

"Công viên địa chất là khu vực độc đáo, tự nhiên, nằm trên không gian có ranh giới rõ ràng, gắn với cảnh quan đẹp, có giá trị văn hóa, khảo cổ và nhiều giá trị khác. Như vậy, cho đến nay có thể thấy giá trị được khai thác nhiều ở các công viên địa chất của Việt Nam mới chỉ là cảnh quan, giá trị khác như văn hóa xã hội gắn với văn hóa đồng bào dân tộc, hay giá trị địa chất chưa khai thác được", ông Hoàng Đạo Cầm - Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục du lịch cho hay.

Diện mạo thay đổi nhờ phát huy lợi thế các công viên địa chất toàn cầu

Hiện nay, trên thế giới có hơn 120 công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận. Sau khi gia nhập mạng lưới, hoạt động du lịch ở các vùng này đều phát triển vượt bậc. Hơn 10 năm trước, danh hiệu mà UNESCO trao tặng cho Cao nguyên đá Đồng Văn cũng là điểm khởi đầu để mở ra một thời kì mới cho ngành du lịch địa chất tại Việt Nam.

Đánh thức công viên địa chất: Nguồn lực quý của du lịch - Ảnh 3.

Nhờ điểm nhấn là Cao nguyên đá Đồng Văn, khách du lịch đến với Hà Giang tăng bình quân trên 15%/năm. Năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Hà Giang vẫn đón hơn 900 nghìn lượt khách, tổng doanh thu từ khách du lịch hơn 1.630 tỷ đồng. Mục tiêu từ nay đến năm 2030, tỉnh sẽ huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cao nguyên đá Đồng Văn thành khu du lịch quốc gia. Hà Giang sẽ cơ cấu lại các ngành kinh tế trong vùng công viên địa chất, chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch. Các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên vùng công viên địa chất toàn cầu được địa phương quan tâm gìn giữ và phát huy.

Còn tại tỉnh Cao Bằng, lượng du khách đã tăng gần gấp 3 lần so với trước khi tổ chức UNESCO trao tặng danh hiệu công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng. Hiện tỉnh Cao Bằng đang chuẩn bị khai thác thêm hai tuyến du lịch mới, trong đó có tuyến kết nối hai công viên địa chất toàn cầu ở Cao Bằng và Hà Giang. Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng cũng được địa phương triển khai, hỗ trợ, khuyến khích người dân bảo tồn các giá trị truyền thống, bảo đảm vệ sinh môi trường, phát triển du lịch.

Rào cản và những gợi ý giải quyết

Tuy nhiên, rào cản để đánh thức loại hình di sản này vẫn còn, như một số khu vực có giá trị về địa chất, địa mạo được đề xuất kêu gọi đầu tư du lịch thì lại nằm trong diện khai thác khoáng sản. Các văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn xây dựng phát triển công viên địa chất còn thiếu và chưa đồng bộ. Điều đáng nói là hiện tượng xâm hại di sản vẫn xảy ra.

Đánh thức công viên địa chất: Nguồn lực quý của du lịch - Ảnh 4.

Ông Hoàng Đạo Cầm - Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục du lịch cho hay.

"Nếu nói về rào cản thì thường chúng ta sẽ đổ lỗi cho hạ tầng, quản lý, phát triển sản phẩm. Nhưng ở đây, chúng tôi muốn nói tới vấn đề làm sao để có kế hoạch khai thác bền vững công viên địa chất, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, tìm được điểm cân bằng vừa bảo vệ được tài nguyên vừa mang lại hiệu quả cao nhất cho kinh tế và người dân", ông Hoàng Đạo Cầm nói thêm.

Cách đây ít ngày, tại Đăk Nông đã diễn ra Hội nghị quốc tế về hang động lần thứ 20. Nhiều chuyên gia nước ngoài đã tư vấn các giải pháp để phát triển bền vững công viên địa chất. Ông John Brush - Chủ tịch Ủy ban Hang động núi lửa quốc tế cho rằng phải có những biện pháp hoặc quy định chặt chẽ vì du khách tham quan có thể phá hủy sinh vật hoặc đa dạng sinh học ở trong các công viên địa chất. "Có thể thiết lập một con đường riêng dành cho du khách và giới hạn số lượng người đi vào hang động. Còn đối với những hang động mới, còn nhạy cảm thì chưa nên cho du khách vào tham quan", ông John Brush nói.

"Một trong những tiêu chí của công viên địa chất là đặc điểm của địa chất và đặc điểm nhận dạng về văn hóa và các sản phẩm địa phương. Giải pháp để phát triển bền vững công viên địa chất là đưa các hoạt động của người bản địa vào. Sản phẩm của người dân làm ra phải có chứng nhận về việc sản xuất của người dân…", Ông Guy Martini - Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu - chia sẻ.

Năm 2018, các nhà khoa học phát hiện hang động núi lửa ở Đăk Nông là nơi cư trú của người tiền sử cách đây 7.000 năm. Một phát hiện chấn động, có giá trị khoa học độc đáo và hiếm có trên thế giới, mở ra bước ngoặt cho ngành cổ nhân học Việt Nam. Nhiều bí ẩn của lịch sử, những câu hỏi khôn nguôi về tổ tiên, về loài người còn ẩn giấu câu trả lời trong những công viên địa chất. Đó chính là nguồn lực quý báu cho du lịch văn hóa, du lịch khám phá, du lịch xanh cần được đánh thức mạnh mẽ và sôi động hơn.

Phát triển bền vững Công viên địa chất toàn cầu Phát triển bền vững Công viên địa chất toàn cầu

VTV.vn - Việt Nam hiện đang có các hoạt động điều tra, nghiên cứu di sản địa chất, tiến tới thành lập các công viên địa chất để thúc đẩy phát triển du lịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước