"Công viên Địa chất toàn cầu" là một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý-hành chính rõ ràng, chứa đựng tập hợp các di sản địa chất và cảnh quan tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục, phát triển bền vững, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội và có diện tích lớn để phát triển kinh tế, được UNESCO công nhận.
Đến thời điểm này, tại Việt Nam, UNESCO đã vinh danh 3 Công viên Địa chất toàn cầu, đó là: Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng và Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông. Ngoài 3 Công viên Địa chất này, gần đây Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh cũng đã nộp hồ sơ đề nghị công nhận. 2 tỉnh Lạng Sơn và Phú Yên đang chuẩn bị để thành lập công viên địa chất làm cơ sở trình UNESCO.
Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận vào tháng 10/2010. Công viên nằm ở vùng núi cực Bắc của Việt Nam, có tới 118 di sản địa chất. Đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ trái đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa.
Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được công nhận tháng 4/2018, có 90 di sản địa chất. Đây là nơi sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc của Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt.
Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông được công nhận tháng 7/2020, trải dài trên địa bàn 5 huyện: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông. Công viên có tới 150 di sản địa chất, khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước.
Một trong những kết quả đáng ghi nhận kể từ khi gia nhập mạng lưới các công viên địa chất toàn cầu, đó là những địa danh này thu hút hàng nghìn du khách tới thăm quan mỗi năm, cũng như góp phần giữ gìn và phát huy giá trị của di sản địa chất; phát triển kinh tế-xã hội cho cộng đồng người dân địa phương. Tuy nhiên, vừa khai thác, phát triển du lịch, vừa bảo tồn được những di sản vốn có cũng là bài toán đặt ra với các địa phương.
Điểm đặc biệt nhất trong khu vực Công viên Địa chất Đắk Nông là hệ thống hang động trong đá bazan đã được Hiệp hội Hang động Núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo. Trong các hang động còn ẩn chứa nhiều bí mật về cơ chế thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, đa dạng sinh học và di chỉ khảo cổ… Đây là tiềm năng lớn để nơi đây phát triển các mô hình du lịch sinh thái, thám hiểm.
Công viên địa chất Đắk Nông là khu vực có bề dày văn hóa, lịch sử, với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, di tích cấp quốc gia đặc biệt và 5 di tích cấp quốc gia khác. Quá trình phát triển du lịch sẽ tạo ra những yếu tố gây bất lợi cho di sản là điều khó tránh khỏi.
Có thể thấy Công viên địa chất nổi lên như là một loại hình mới trong lĩnh vực du lịch, mang tính giáo dục và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương có liên quan. Ở chiều ngược lại, sự phát triển của ngành du lịch di sản cũng sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản hiệu quả hơn.
Bên cạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng, cũng như thực hiện một số khuyến nghị về công tác bảo tồn, phát huy giá trị các danh hiệu của UNESCO nói chung và danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO nói riêng, các cơ quan ban ngành chức năng của Việt Nam cũng cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế để quản lý, xây dựng và phát triển các công viên địa chất một cách bền vững theo tiêu chí của UNESCO.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!