Trong chương trình Chuyện cuối tuần, đạo diễn Lê Hoàng cho biết, hiện nay, tại các bệnh viện có rất nhiều khoa, tuy nhiên, không có một khoa nào để chữa riêng bệnh trầm cảm. Khi có người thân bị bệnh mất ngủ, không ăn uống được, huyết áp lên xuống, đưa đi khám ở khoa thần kinh, tiêu hóa hay tim mạch thì thường không tìm ra bệnh, và vì thế, nhiều người lại càng không biết mình trầm cảm để chữa. Đặc biệt, người Việt thường có thói quen chối bỏ căn bệnh này, cho rằng trầm cảm là bị khùng hoặc điên, vì thế, không phải ai cũng dám thừa nhận mình bị bệnh này để tìm các biện pháp chữa trị.
Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A cho biết, hiện tại số lượng người bị trầm cảm rất khó thống kê, tuy nhiên, có thể lên đến vài chục nghìn người. Đặc biệt, rất nhiều lứa tuổi hiện nay đều mắc phải chứng bệnh này. Có những đứa trẻ ngay từ nhỏ đã bị trầm cảm nhưng không được sự hỗ trợ của gia đình, lớn lên lại tiếp tục bị nặng hơn và khi gặp các cú sốc trong cuộc sống, việc không tìm ra phương hướng, tìm đến cái chết là một điều không hiếm.
Cũng theo Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, khoa học không chia trầm cảm ra mãn tính, bộc phát hay bẩm sinh mà dựa vào mức độ của bệnh bởi trầm cảm thuộc về vấn đề tương tác xã hội. Khi con người không còn thiết tha gì với các hoạt động xã hội, bị mất cân bằng giữa đời sống thực tại và đời sống cá nhân thì sẽ rơi vào trạng thái trầm cảm. Giữa trầm cảm và tự kỷ có sự liên quan, tuy nhiên, tự kỷ không phải là bệnh như trầm cảm mà chỉ là triệu chứng.
Có 3 biểu hiện rõ rệt nhất của một người bị trầm cảm đó là: Không thích kết nối với xã hội, dễ nổi giận, hay quát mắng, không hài lòng với mọi thứ đang diễn ra. Bên cạnh đó, người bị trầm cảm cũng thường rơi vào trạng thái làm việc quá nhiều, không quan tâm đến những gì diễn ra xung quanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!