Dịch COVID-19: Tại sao những bệnh viện tốt nhất thế giới của châu Âu lại "đầu hàng"?

TTXVN-Thứ năm, ngày 02/04/2020 17:27 GMT+7

Một nhân viên y tế và một bệnh nhân tại một phòng chăm sóc tích cực mới được sắp xếp để điều trị dịch Covid-19 tại một bệnh viện ở Brescia, Italy ngày 30/3. Ảnh: EPA

VTV.vn - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng nhiều quốc gia đã "phung phí" cơ hội ngăn chặn dịch bệnh hoành hành.

Trong bối cảnh châu Âu hiện là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, với hơn 458.601 ca mắc trong đó hơn 30.000 người tử vong đồng thời ngày càng nhiều bệnh viện của châu Âu đang oằn mình tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân mới, hãng tin AP đã đăng bài viết cho rằng cuộc khủng hoảng này đã phơi bày một nghịch lý đáng kinh ngạc: một vài trong số những hệ thống y tế tốt nhất thế giới lại cực kỳ thiếu trang thiết bị cần thiết để đối phó với một đại dịch.

Các chuyên gia về dịch bệnh cho rằng hệ thống bệnh viện của châu Âu, vốn thiếu kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh, là một phần nguyên nhân khiến đại dịch này trở nên thảm khốc như vậy trên khắp châu lục. Ông Brice de le Vingne, người đứng đầu các chiến dịch chống COVID-19 của tổ chức Bác sĩ Không Biên giới ở Bỉ, nhấn mạnh châu Âu không có đại dịch lớn nào bùng phát trong hơn 100 năm qua và "hiện nay họ không biết phải làm gì". Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho rằng nhiều quốc gia đã "phung phí" cơ hội ngăn chặn dịch bệnh hoành hành, trong khi cần phản ứng mạnh mẽ hơn từ 2 tháng trước, bao gồm cả việc thực hiện xét nghiệm trên diện rộng và áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ hơn.

Khi dịch Ebola bùng phát, gần đây nhất là ở Congo, các quan chức đã công bố số liệu hàng ngày về việc có bao nhiêu người có tiếp xúc với bệnh nhân đang được theo dõi, cho dù là ở những ngôi làng hẻo lánh đang bị tê liệt vì các cuộc tấn công vũ trang. Sau khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện cuối năm ngoái, Trung Quốc đã cử một đội ngũ gồm 9.000 nhân viên y tế để truy tìm hàng nghìn người ở Vũ Hán mỗi ngày có khả năng đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, ở Italy, các quan chức trong một số trường hợp đã chỉ phụ thuộc vào thông tin khai báo của bệnh nhân về những trường hợp họ đã tiếp xúc, và chỉ đơn giản gọi điện thoại hằng ngày để kiểm tra sức khỏe của họ. Tây Ban Nha và Anh đều từ chối cho biết có bao nhiêu nhân viên y tế đang phụ trách điều tra tiền sử dịch tễ của bệnh nhân, hay xác định được bao nhiêu người đã tiếp xúc với bệnh nhân kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Bác sĩ Bharat Pankhania, một nhà nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Exeter ở phía Tây Nam nước Anh, thừa nhận: "Chúng ta thực sự rất giỏi việc điều tra dịch tễ ở Anh, nhưng vấn đề là chúng ta đã làm chưa đủ". Khi các ca nhiễm bệnh bắt đầu tăng lên nhanh chóng ở Anh vào đầu tháng 3, bác sĩ Pankhania và những người khác đã một mực yêu cầu những tổng đài trực cấp cứu chuyển sang thành các trung tâm phụ trách điều tra dịch tễ bệnh nhân. Tuy nhiên điều đó không bao giờ xảy ra, và bác sĩ Pankhania gọi đây là "một cơ hội bị bỏ lỡ".

Cũng theo bác sĩ Pankhania, mặc dù Anh giàu kinh nghiệm trong việc chữa trị các bệnh nhân có vấn đề về hô hấp cần chăm sóc tích cực, ví dụ như bệnh viêm phổi nặng, song vấn đề hiện nay là có quá ít giường bệnh để phục vụ đủ các bệnh nhân đang tăng lên theo cấp lũy thừa khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Theo ông, thực tế, Hệ thống Y tế Quốc gia (NHS) của Anh đã giảm số giường bệnh trong nhiều năm nay.

Không chỉ vậy, các nhân viên chăm sóc y tế và hệ thống bệnh viện ở châu Âu hầu như không có kinh nghiệm với việc phải chăm sóc bệnh nhân trong điều kiện thiếu thốn bởi lâu nay nhìn chung họ có nguồn cung cấp dự phòng tốt.

Không còn giữ vai trò thông thường là những nước cứu trợ các nước nghèo hơn đối phó với dịch bệnh, các nước như Italy, Pháp và Tây Ban Nha hiện đều là những nước cần viện trợ khẩn cấp.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí y khoa NEJM Catalyst Innovations in Care Delivery, các bác sĩ ở Bergamo - tâm dịch của Italy, gọi COVID-19 là "Ebola của người giàu", đồng thời cảnh báo rằng hệ thống y tế của phương Tây đang có nguy cơ bị quá tải vì dịch COVID-19 giống như các bệnh viện ở Tây Phi từng bị tàn phá bởi dịch Ebola năm 2014-2016. Theo các bác sĩ trên, hệ thống y tế của phương Tây được xây dựng với quan niệm chăm sóc bệnh nhân là trung tâm, nhưng khi dịch bệnh xảy ra thì cần thay đổi quan niệm này sang chăm sóc cộng đồng là trung tâm.

Có một thực tế là mạng lưới các bác sĩ gia đình rất mạnh vốn là điển hình của châu Âu cũng không đủ để điều trị cho một số lượng rất lớn bệnh nhân. Tuy nhiên, điều này có thể được giải quyết dễ dàng hơn nếu có các đội ngũ nhân viên y tế - những người ít được đào tạo hơn bác sĩ nhưng chuyên tập trung vào các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Các nước đang phát triển thường có những đội ngũ nhân viên y tế như vậy, bởi họ đã quen với các động thái can thiệp y tế lớn, ví dụ như các chiến dịch tiêm phòng vaccine.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước