Theo Hiệp hội Công nghiệp Cửa hàng Tiện lợi Hàn Quốc, đến cuối năm ngoái đã có hơn 55.200 cửa hàng tiện lợi ở quốc gia 52 triệu dân này. Nghĩa là, trung bình cứ 950 người Hàn Quốc thì có một cửa hàng tiện lợi.
Con số này giúp Hàn Quốc trở thành quốc gia có mật độ cửa hàng bình quân đầu người cao nhất, vượt qua Nhật Bản và Đài Loan(Trung Quốc) (hai nơi đều nổi tiếng với các chuỗi cửa hàng tiện lợi phong phú và đa dạng).
Theo giáo sư về du lịch tại Đại học Kwangwoon ở Seoul cho biết: “Ngành công nghệ cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc nổi bật với mật độ đáng kinh ngạc và những chiến lược kinh doanh sáng tạo. Chúng đã trở thành kênh bánh lẻ thiết yếu, chiếm thị phần bán lẻ ngoại tuyến lớn thứ hai tại quốc gia này”.
Một nhân viên văn phòng ăn trưa tại một cửa hàng tiện lợi ở Seoul, Hàn Quốc (Ảnh: Heo Ran/Reuters)
Điều tạo nên sự khác biệt ở các cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc so với những quốc gia khác nằm ở việc chúng cung cấp mọi thứ từ thực phẩm, đồ uống đến đồ gia dụng và những dịch vụ tiện ích khác. Theo đó, bạn có thể sạc điện thoại, rút tiền mặt, thanh toán hóa đơn, đặt hàng trực tuyến và nhận hàng, thậm chí ở một số địa điểm còn hỗ trợ sạc xe điện, đổi ngoại tệ và gửi thư quốc tế.
Ở khu vực thực phẩm của các cửa hàng tiện lợi, bạn có thể tìm thấy đa dạng các món ăn từ súp miso ăn liền đến mì ly, đồ ăn nhẹ và các thực phẩm chế biến sẵn. Kết hợp với đó là những thiết bị đi kèm như lò vi sóng và máy nước nóng giúp cửa hàng tiện lợi trở thành điểm đến lý tưởng cho nhân viên văn phòng và học sinh muốn có những bữa ăn nhanh.
“Các cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc không chỉ là nơi mọi người có thể ngồi quanh một chiếc bàn giữa những lon bia vào một đêm cuối hè mà còn cung cấp các dịch vụ thiết yếu”, Deloitte Korea cho biết trong báo cáo năm 2020, mô tả các cửa hàng của đất nước này là “chiều chuộng khách hàng của họ bằng sự tiện lợi cực độ”.
Một người phụ nữ mua sắm bên trong một cửa hàng 7-Eleven ở Seoul, Hàn Quốc (Ảnh: Heorshe/Alamy Stock Photo)
So với những quốc gia khác thì các cửa hàng tiện lợi ở Mỹ và Úc đã đóng cửa lúc 3 giờ chiều - quá sớm so với tiêu chuẩn của người Hàn. Bên cạnh đó, các cửa hàng ở những quốc gia này cung cấp cho khách hàng chỉ hạn chế một vài thực phẩm chế biến sẵn như bánh sandwich, bánh rán, bánh thịt nướng và đá xay.
Một yếu tố khác cũng giúp những cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc trở nên phổ biến trên toàn cầu là truyền thông xã hội. Chỉ cần tìm kiếm nhanh trên các kênh mạng xã hội như YouTube, TikTok hoặc Instagram, bạn sẽ thấy vô số video về các cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc. Nội dung các video này xoay quanh việc giới thiệu các trạm mì ăn liền trong cửa hàng, đánh giá đồ ăn nhẹ và đồ uống.
Theo giáo sư Chang Woo-cheol: “Sự kết hợp giữa tính khác biệt và tiếp thị hiệu quả thông qua các phương tiện truyền thông đã thúc đẩy mức độ phổ biến của các cửa hàng tiện lợi tại Hàn”.
Tính đến thời điểm hiện nay, những công ty là chủ sở hữu các cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc đã mở rộng ra nước ngoài. Giáo sư Chang cho biết ba trong số những thương hiệu lớn nhất là CU, GS25 và Emart24 đã có hệ thống cửa hàng ở một số khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam và Malaysia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!