Ở Việt Nam, trong các cuộc nhậu, nhiều người cho rằng phải uống được nhiều, uống tới say mới "xứng mặt đàn ông" và như thế mới được gọi là "hết mình". Tuy nhiên, theo ông Trần Trọng Toàn - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, đây là một quan điểm sai lầm và cần phải thay đổi, thậm chí phải giáo dục lại "văn hóa sử dụng bia rượu".
"Ở Việt Nam, tôi thấy có văn hóa kích bác nhau khi uống rượu. Ai không uống được thì cho người đó là không cùng "đẳng cấp". Có lần. tôi lên miền núi công tác và uống rượu có 2 ngày nhưng bằng cả năm uống rượu. Nếu không uống thì bị mời ép rồi cho là không hữu nghị. Thế nên, tôi phải uống cả ngày suốt từ sáng đến tối, đi đâu cũng mời rượu. Theo tôi, cần phải giáo dục lại cái gọi là văn hóa uống rượu ở Việt Nam", ông Toàn cho biết.
Đại sứ - Thạc sĩ Trần Trọng Toàn đã từng giữ các cương vị như Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ Ngoại giao kiêm Trưởng Ban Kiểm tra Đảng ủy Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài hay Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền, Bí thư Đảng ủy ĐCSVN tại Malaysia và Hàn Quốc… nên thường có dịp đi công tác nước ngoài. Ông cho biết, không quốc gia nào có "văn hóa sử dụng rượu" lạ như ở Việt Nam.
"Ở Italy, thường thì không có người nào uống rượu tới mức say xỉn. Họ coi những ai uống rượu mà chỉ cần bị đỏ mặt thôi đã là không đẹp và có thể phá hỏng bữa tiệc", ông Toàn chia sẻ.
Văn hóa uống rượu ở nhiều nước chủ yếu là để thưởng thức và mang lại lợi ích cho sức khỏe thay vì uống say mèm. Ảnh minh họa: Getty.
Nói về từ "dô dô" mỗi khi nâng chén uống rượu mà người Việt hay nói, ông Trần Trọng Toàn bày tỏ những từ này hoàn toàn không có ý nghĩa gì và đối với một số nước thì thậm chí còn mang ý nghĩa thô tục.
"Trong tiếng Nga hay tiếng Đức mỗi khi nâng ly thì người ta có từ "Chúc sức khỏe". Tiếng Hàn Quốc thì có nghĩa là "Vì sức khỏe". Nhưng nếu chúng ta mà nói từ "dô dô" mỗi khi uống rượu tại bang Lousiana, Mỹ thì bị coi là thô thiển bởi từ đó có nghĩa là… "cậu nhỏ".
Tại các cuộc hội nghị quốc tế tôi có dịp tham dự, riêng bàn của đoàn Việt Nam là ồn ào nhất. Nhiều người đồng thanh hô "Một, hai, ba, dô!" khiến các đoàn của nước bạn quay lại nhìn không chỉ 1 lần. Uống xong thì mọi người vứt đầy chai dưới sàn, gầm bàn. Thực tế. văn hóa sử dụng rượu của người Việt Nam vốn xuất phát từ nét đẹp nhưng ngày nay đã bị biến tướng đi nhiều!", ông Toàn nhận định.
Cùng với văn hóa kích bác, đọ tửu lượng khi uống rượu, việc nhiều người kinh doanh rượu vì lợi nhuận bất chấp sức khỏe của người khác đã gây ra hàng loạt vụ ngộ độc rượu thời gian qua, thậm chí có những vụ gây chết người hàng loạt. Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam Trần Trọng Toàn đưa ra một số khuyến nghị.
"Tôi xin nhấn mạnh vào đạo đức kinh doanh. Thời gian qua đã xảy ra một loạt các vụ ngộ độc là do rượu có chứa cồn methanol. Tại sao người ta dùng cồn methanol để pha gây tác hại? Do người sản xuất mê muội vì lợi nhuận mà bỏ qua chất lượng. Nếu mua gạo nấu rượu thì không mang lại lợi nhuận cao bằng việc mua cồn methonal về pha.
Ngoài ra, sự thiếu hiểu biết về việc pha chế, nấu rượu dẫn đến việc "giết người không chủ ý" này. Rõ ràng là không ai dám sản xuất ra rượu gây chết người để đi tù. Vì thế, ngoài việc bị lợi nhuận che mắt, nhiều người do thiếu thông tin, cứ nghĩ việc tự ý pha chế cồn, methanol vào rượu như thế không gây hại tới mức chết người, không biết tác hại thực sự mà nên".
Với các cơ quan quản lý Nhà nước, ông Toàn đề xuất cần rà soát lại các văn bản pháp luật, quy trình áp dụng và phổ biến luật hiện nay ra sao; cần phổ biến lại kĩ thuật nấu rượu an toàn, tăng cường quản lý của các cơ quan ban ngành, địa phương đối với các hộ sản xuất kinh doanh rượu, cũng như các hộ cá nhân nấu rượu tự phát; và đặc biệt cần có chế tài xử phạt nặng để đủ sức răn đe.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!