Không quá nặng lời khi nói người Nhật bận đến nỗi chẳng có thời gian cho bản thân nhưng nhất định phải dành thời gian cho những con thú cưng. Nếu không tin, bạn có thể đến đền thờ Ichigaya Kamegaoka Hachimangu tại thủ đô Tokyo. Bà Miki Takebe, nhà thiết kế kimono cho vật nuôi, thường mang chú chó poodle 3 tuổi của mình tới xin sư thầy làm lễ cầu phúc.
Bà Miki Takebe cho biết: "Từ lâu tôi đã coi Noa như đứa con nhỏ của mình vậy. Nó ốm là tôi buồn lắm".
Thật ra đây là một phần của phong tục truyền thống Nhật Bản, đó là cha mẹ đưa con cái của họ khi các em bước sang tuổi 3, 5 và 7 tới đền để cảm ơn các vị thần đã phù hộ sức khỏe và cầu xin lũ trẻ được khỏe mạnh, ngoan ngoãn hơn nữa. Cũng theo truyền thống, chó và vật nuôi khác không phải là đối tượng được cầu phúc. Thế nhưng, một sự thật đáng giật mình là qua thời gian, số lượng vật nuôi đã vượt quá số trẻ em ở Nhật. Hiệp hội Quản lý vật nuôi Nhật Bản công bố điều tra mới nhất của chính phủ, rằng trong năm 2016, nước này có 20 triệu con vật nuôi chó và mèo, trong khi chỉ có vỏn vẹn 15 triệu trẻ em dưới 15 tuổi.
Sư thầy Masaki Kaji nói: "Cách đây 8 năm, số lượng người đăng ký cầu phúc cho vật nuôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, càng ngày, số lượng người đăng ký càng đông. Năm nay, chúng tôi phải khóa sổ, không có đăng ký nữa. Vậy mà cũng có đến 400 người ghi tên rồi".
Chi phí cho mỗi lần cầu phúc là 5000 Yen, tức là khoảng 1.000.000 đồng. Tính nhẩm cũng thấy, người dân Nhật Bản sẵn sàng chi tiền cho thú cưng của họ. Đấy là chưa kể những vật nuôi đến đây sẽ phải mặc những bộ kimono riêng, rồi các khoản ăn uống, chăm sóc hàng ngày. Thế nên trong xã hội Nhật Bản hiện đại ngày nay, người ta khó có thể thấy một vết trớ của trẻ nhỏ, nhưng lại dễ dàng nhặt được những sợi lông chó mèo trên những bộ quần áo của các cặp vợ chồng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!