Đối phó với bệnh viêm loét dạ dày

Kim Hải-Thứ hai, ngày 28/06/2010 16:00 GMT+7

Viêm loét dạ dày gồm các cơn đau do viêm hoặc loét dạ dày hoặc tá tràng. Bệnh thường biểu hiện qua các triệu chứng đầy bụng, ăn khó tiêu, đau vùng thượng vị, có thể đau lan ra hông sườn, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày nhưng nhìn chung, có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là do dùng thuốc giảm đau như Aspirin và các thuốc giảm đau, chống viêm không chứa steroid và một số loại thuốc khác. Thứ hai là do stress tâm lý và chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý. Thứ ba, và là nguyên nhân quan trọng nhất là sự xuất hiện của vi khuẩn Helicobacter pylori trong dạ dày. Vi khuẩn này có khả năng lây lan qua đường miệng, khi vào dạ dày, nó có thể gây viêm loét, thậm chí dẫn tới ung thư dạ dày.

Để phát hiện mình có nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori hay không, nên đến bệnh viện để kiểm tra ngay khi có các triệu chứng viêm loét dạ dày như đầy bụng, ợ hơi, đau ở vùng thượng vị. Từ đó, có hướng điều trị phù hợp.

Chế độ dinh dưỡng là một trong những vấn đề quan trọng với người bị viêm loét dạ dày, Trọng tâm của dinh dưỡng trong điều trị viêm, loét dạ dày là dùng những thức ăn giảm tiết dịch vị, giảm tác dụng của axít tiết lên niêm mạc dạ dày. Chất ngọt, chất béo là những chất ít gây tiết dịch vị. Không để đói, không ăn quá no. Cần ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa cách nhau từ 2 – 3 giờ.

Thực phẩm nên kiêng:

- Các loại thực phẩm có độ axít cao, các loại quả chua (như chanh, cam, bưởi), cà muối, giấm, mẻ, tương ớt...

- Các loại thực phẩm tạo hơi trong dạ dày như các loại đậu đỗ, các loại dưa cà muối, hành...

- Các loại thực phẩm làm hư hại niêm mạc dạ dày như rượu, bia, ớt, tỏi, cà phê, trà...

- Các loại thức ăn tăng tiết axít như các loại nước xốt thịt, cá đậm đặc...

- Không uống các loại nước ngọt có gas

Ngoài ra cũng không nên ăn các loại thức ăn chế biến sẵn như giăm bông, lạp xưởng, xúc xích...

Cần chú ý chế độ dinh dưỡng cho người điều trị viêm loét dạ dày:

- Giai đoạn 1: Bắt đầu điều trị cho người loét dạ dày, chỉ nên ăn sữa, cứ 1 - 2 giờ uống sữa một lần, mỗi lần khoảng 1/3 - 1/2 ly (khoảng 100ml). Tổng năng lượng chỉ cần 1.200kcal. Sau từ 2 - 3 ngày, nếu dạ dày không thấy đau thì trộn thêm kem vào sữa để tăng năng lượng.

- Giai đoạn 2: Khi dạ dày hết đau, bạn nên ăn những đồ mềm nhuyễn như cháo, soup… mỗi lần 100ml sau đó tăng dần, nên ăn 6 bữa/ngày, sau đó ăn các loại thức ăn khác như cơm nếp, bánh mì, bánh quy; thịt, cá nghiền nát. Khi ăn nhai kỹ để thức ăn thấm nước bọt trước khi nuốt.

- Giai đoạn 3: Vẫn tiếp tục ăn từ 5 - 6 bữa/ngày, ăn thức ăn mềm, nấu chín nhừ cho đến khi cơn đau dứt hẳn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước