Ý nghĩa của việc “không làm gì”
Dolce far niente không chỉ là một cụm từ đẹp đẽ của Italia mà còn là lối sống, tư duy ăn sâu vào nền văn hóa đất nước này, vốn nổi tiếng với niềm đam mê cuộc sống và sự giải trí. Tuy nhiên, phong cách sống “không làm gì” không có nghĩa là họ lười biếng. Ý nghĩa của cụm từ này là để nhắc nhở con người hãy tận hưởng khoảnh khắc ở thời điểm hiện tại.
Phong cách sống “không làm gì” khuyến khích chúng ta sống chậm lại và thực sự sống trọn vẹn trong một khoảnh khắc, trân trọng vẻ đẹp của sự đơn giản và dành thời gian thư giãn một cách có ý thức.
Điều này thể hiện rõ tại quảng trường của Italia, nơi mọi người tụ tập để giao lưu, thưởng thức một tách espresso hoặc đơn giản là quan sát cuộc sống xung quanh. Tương tự, theo truyền thống của người Italy, những bữa ăn thường kéo dài hàng giờ đồng hồ để đắm chìm trọn vẹn trong khoảnh khắc này chứ không ăn một cách vội vã. Đó chính là thực tế của Dolce far niente: dành thời gian trong ngày để thư giãn và kết nối.
Dolce far niente trong thế giới hiện đại
(Ảnh: Craving by Chrissy Teigens)
Khi thế giới ngày càng bộn bề và mọi người đều phải vật lộn với sự căng thẳng, kiệt sức, khái niệm “không làm gì” lại là một sự nhắc nhở để chúng ta quay lại một cuộc sống cân bằng hơn.
Những nguyên tắc của lối sống “không làm gì” phù hợp với nhiều giá trị mà thế giới hiện đại đang đón nhận. Khi chúng ta hướng tới một xã hội tập trung hơn vào sức khoẻ tinh thần, Dolce far niente hoàn toàn phù hợp, tận hưởng hiện tại thay vì liên tục lo lắng về tương lai hay nuối tiếc quá khứ. Nó nhấn mạnh khoảng thời gian cần thiết để dành cho bản thân, làm những việc mang lại niềm vui.
Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh ý thức của mọi người về tầm quan trọng của sự cân bằng lành mạnh giữa công việc - cuộc sống, khuyến khích chúng ta nhìn lại về những ưu tiên của mình. Dolce far niente ủng hộ sự cân bằng, rằng bạn nên phân chia thời gian hợp lý giữa công việc và cuộc sống cá nhân, rằng bạn nên thư giãn, nạp năng lượng để sau đó năng suất được cải thiện tốt hơn. Nhờ đó, trải nghiệm cuộc sống cũng trở nên thỏa mãn hơn rất nhiều.
Nắm bắt xu hướng “không làm gì”
Khi xã hội đang chuyển trọng tâm sang hướng chánh niệm và chú tâm vào sức khoẻ, các doanh nghiệp cũng nhận ra giá trị của lối sống Dolce far niente và mang chúng vào chiến lược xây dựng thương hiệu của mình.
Nhiều thương hiệu thời trang và làm đẹp đang áp dụng triết lý “ít tốt hơn nhiều” nhằm tập trung vào chất lượng, tuổi thọ của sản phẩm, hướng tới việc tiêu dùng có tâm. Các thương hiệu này thúc đẩy thói quen làm đẹp từ từ, có ý thức, khuyến khích khách hàng dành thời gian chăm sóc cho bản thân đúng như tinh thần của lối sống “không làm gì”. Những nguyên tắc của lối sống “không làm gì” phù hợp với nhiều giá trị mà thế giới hiện đại đang đón nhận, nhấn mạnh đến khoảng thời gian cần thiết để dành cho bản thân, làm những việc mang lại niềm vui.
Các khu nghỉ dưỡng hiện cũng nắm bắt xu thế, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ phù hợp với triết lý này. Thay vì vội vã đi từ điểm du lịch này tới điểm du lịch khác, du khách hiện nay được khuyến khích dành thời gian để hòa mình vào bầu không khí, giao lưu với người dân địa phương và thực sự đắm mình vào các trải nghiệm yên bình.
Andrea Quadrio Curzio - đồng sáng lập QC Spa of Wonders – nói về xu hướng mới này: “Chúng ta đang quá căng thẳng, quá bận rộn trong xã hội ngày nay. Không còn chỗ cho niềm vui, sự bất ngờ hay sự tự chăm sóc bản thân nữa. Thế nhưng, chúng ta đang bắt đầu thấy con lắc dao động theo chiều hướng khác khi mọi người mong muốn đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, làm sạch đầu óc và lập lại lịch trình. Đó là bước đầu tiên trên con đường dẫn tới sự kỳ diệu và thư giãn”.
Các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm cũng tán thành ý tưởng thưởng thức bữa ăn như một hoạt động thư giãn. Các thương hiệu trong lĩnh vực này tập trung vào chất lượng của sản phẩm, nhấn mạnh cảm giác thích thú khi trải nghiệm ẩm thực thay vì chỉ tiêu dùng như trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!