Ăn uống giảm carbon
Ăn, mặc, đi lại, xây dựng nhà ở, hoạt động nào cũng sinh ra carbon, gộp lại sẽ góp phần làm nhiệt độ trái đất tăng lên. Vì thế, quan trọng là ý thức về một hành tinh có ít dấu chân carbon hay còn gọi là lối sống xanh. Bắt đầu từ ngay trong mỗi căn bếp, chúng ta nên giảm phát thải carbon trong nấu nướng và ăn uống mỗi ngày.
Với một chiếc bánh pizza carbon thấp, sau khi áp dụng các giải pháp khác nhau, chiếc bánh pizza này so với một chiếc bánh pizza thông thường có thể giảm 30% phát thải khí carbon.
Lò ga đã được sử dụng thay cho lò than trước đây. Chỉ 1 phút 15 giây nướng thay vì 5 phút. Dù là một món ăn không phải của Việt Nam nhưng nguyên liệu Việt lại được đưa vào tối đa.
Chị Lê Thanh Hiền - Quản lý khu vực miền Bắc Pizza 4P chia sẻ: "Chúng tôi tập trung nguyên liệu đến từ nguồn gốc của thực vật, ví dụ như pizza cà tím hoặc pizza bí ngòi vì những nguyên liệu đến từ gốc thực vật sẽ có ít khí thải hơn so với những nguyên liệu đến từ gốc động vật".
Thực đơn theo mùa – đây là cách khuyến khích mọi người dùng thực phẩm tươi, giảm trữ đông. Vỏ rau củ quả trước khi mang đi ủ phân cũng được kiểm tra liệu có bị gọt quá tay. Thậm chí còn được cân lại để tính toán lượng thực phẩm hao hụt. Thử tham khảo lượng khí carbon phát thải ra khi sản xuất, có thể thấy 2,09 kg CO2 khi sản xuất ra 1 kg cà chua, 4,67 kg CO2 cho 1 kg trứng, 23,88 kg CO2 cho 1 kg phomai, 26,87 kg CO2 cho 1 kg tôm và chỉ có 0,43 kg CO2 cho 1 kg các loại hạt.
Chúng ta vẫn nói đến chuyện giảm phát thải khí nhà kính trong đi lại hoặc sử dụng điện tiết kiệm. Và giờ có thêm một khái niệm mới. Đó là giảm phát thải khí nhà kính qua chuyện ăn uống.
"Từ quá trình nuôi trồng đến sản xuất và vận chuyển rồi đến người tiêu dùng và người tiêu dùng lại chế biến và cuối cùng là chúng ta ăn vào, tính toán các phát thải khí nhà kính trong tất cả các khâu đó, tìm ra một con số trung bình thì mới là chúng ta đang thực hiện tính toán tổng phát thải khí nhà kính trong quá trình ăn uống. Như 1 kg tôm sẽ phát thải khí nhà kính khoảng 26 kg CO2, tương ứng với một chiếc xe ô tô vận hành trong 100 km. Tôi nhận thấy là truyền thống ăn uống của chúng ta có rất nhiều điểm được các bạn quốc tế khen là thân thiện với môi trường" - Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nam - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu ý kiến.
Việt Nam đang nỗ lực xanh hóa ngành dệt may
Nhà ở giảm carbon
Tiếp theo là chuyện ở giảm carbon trong một ngôi nhà, một công trình dùng vật liệu carbon thấp. Ví dụ gạch, kính không nung, lượng khí thải khí nhà kính ra trong quá trình tạo ra sẽ ít hơn các loại vật liệu nung ở nhiệt độ cao. Khi đó sẽ góp phần thu nhỏ dấu chân carbon. Hay nói cách khác là giảm lượng khí CO2 sinh ra khi xây dựng, vận hành hoạt động của một tòa nhà.
Bên cạnh việc sử dụng các tấm kính cường lực bên ngoài tòa nhà thay thế hoàn toàn cho tường xây bằng gạch nung thì hệ thống cơ điện và vật liệu nội thất của tòa nhà cũng được thiết kế để đáp ứng theo tiêu chuẩn công trình xanh. Như tại một tầng của tòa nhà Công trình 36 Cát Linh, nhà đầu tư đã sử dụng vật liệu tái chế cho cả sàn và trần nhà.
Ông Nguyễn Văn Hoàng - Cán bộ Ban quản lý dự án Công trình 36 Cát Linh cho biết: "Đối với sàn bên ngoài là lớp thép, bên trong lớp xi măng tái chế, đối với trần, trần là sợi khoáng, sử dụng các loạt vật liệu tái chế, mặt trần vừa có chức năng thẩm mỹ vừa chức năng tiêu âm".
Tiêu chuẩn công trình xanh là tiêu chuẩn có uy tín cao và đang được áp dụng rộng rãi, tích hợp nhiều yếu tố có lợi cho môi trường. Trong đó, yêu cầu khắt khe về cách sử dụng vật liệu xanh, thậm chí có cả tiêu chí về nguồn nguyên liệu, nhân lực sử dụng.
"Nếu làm bằng sàn thường, hệ thống cơ điện của chúng tôi sẽ phải để trên trần, làm tăng chiều cao trần, dẫn đến tăng chiều cao công trình, tăng diện tích sử dụng móng cũng như các loại vật liệu cấu tạo nên bê tông, cốt pha, cốt thép, tường xây, sơn bả và rất nhiều vật liệu khác…", ông Hoàng cho biết thêm.
Với phòng điều khiển trung tâm của Tòa nhà Hà Nội Center Point - một tòa nhà cao tầng kết hợp văn phòng, nhà ở và trung tâm thương mại ở Hà Nội, việc sử dụng công nghệ và phần mềm hiện đại điều khiển và kiểm soát chế độ điều hòa tại đây đã mang lại nhiều tiện ích.
Ông Nguyễn Ngọc Trung - Kỹ thuật viên, Tòa nhà Hà Nội Center Point tiết lộ: "Chúng tôi có thể điều khiển từ xa tại đây, không cần phải lên trực tiếp các gian hàng, có thể điều chỉnh nhiệt độ phù hợp tùy từng thời điểm".
Mặc dù không được thiết kế theo tiêu chuẩn tòa nhà xanh ngay từ đầu nhưng đơn vị vận hành đã thay thế, cải tạo và lắp đặt thêm nhiều thiết bị và có các giải pháp cụ thể cho từng khu vực để vận hành tiết kiệm điện cho cả tòa nhà. Đặc biệt ở khu vực cửa ra vào - nơi có khả năng thất thoát nhiệt nhiều nhất gây tốn điện. Ban quản lý tòa nhà đã lắp đặt thêm quạt cắt gió để đảm bảo kiểm soát không khí hiệu quả.
"Đối với hệ thống hút khí thải, cấp khí tươi cho hầm, chúng tôi chỉ vận hành vào khung giờ cao điểm, nhiều người và xe cộ đi lại dưới hầm. Một số hệ thống khác như hệ thống bơm sẽ ưu tiên vận hành vào khung giờ thấp điểm để giảm chi phí điện năng" – ông Phan Hải Linh - Phó Giám đốc Ban Quản lý tòa nhà Hà Nội Center Point cho biết.
Được biết, hiện nay, rất ít những tòa nhà cao tầng ở các đô thị lớn đang được áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để giảm lượng điện tiêu thụ và giảm phát thải khí nhà kính.
Nỗ lực xanh hóa ngành dệt may
Năm 2024 là năm trọng tâm để ngành dệt may Việt Nam tăng mạnh xanh hóa sản phẩm, góp phần thực thi cam kết Net Zero, đưa phát thải ròng về bằng 0, tăng thêm tính cạnh tranh cho sản phẩm may mặc Việt Nam. Những sản phẩm carbon thấp, sản phẩm ít phát thải khí nhà kính đã xuất hiện và chiếm lĩnh được thị trường.
Một chiếc áo carbon thấp sẽ được dệt từ những sợi carbon thấp. Trung bình một kg sợi tái chế phát thải khoảng 1,8 kg khí Co2. Tuy nhiên, sau khi áp dụng rất nhiều biện pháp khác nhau thì hiện trung bình 1 kg sợi tái chế thì phát thải còn khoảng 1,6 kg khí Co2.
Sợi carbon thấp là loại sợi khi sản xuất ít phát thải khí nhà kính nhất có thể. Một giải pháp là sử dụng đầu vào là vật liệu tái chế. Tính đến hết năm 2022, dây chuyền sản xuất sợi tái chế này đã gián tiếp sử dụng 4.1 tỷ chai nhựa PET, tức là giảm 40%-50% lượng khí carbon so với bình thường.
Bà Nguyễn Phương Chi - Giám đốc Chiến lược, Công ty Sợi Thế kỷ chia sẻ: "Sản phẩm sợi tái chế cũng như là sợi đắp đai, là sợi thân thiện với môi trường của công ty, nó giúp cho công ty duy trì được doanh thu cũng như lợi nhuận".
"Việt Nam còn nhiều tiềm năng để giảm carbon. Chúng tôi vừa đến thăm một nhà máy. Họ đã lãng phí hơn 50% năng lượng do việc quản lý vận hành chưa hiệu quả. Với doanh nghiệp đó, cơ hội để thực hiện những thay đổi nhỏ nhằm tiết kiệm năng lượng vẫn còn rất lớn" – ông Richard Scotney – Giám đốc Chương trình tiết kiệm năng lượng toàn cầu, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tâm sự.
Một ví dụ hiện thực hóa những thay đổi đó khi ở một doanh nghiệp, nước thải được cấp lên tháp để làm mát thay vì điều hòa thông thường. Công suất thì tương đương, có thể làm mát đến 370 máy móc và thiết bị nhưng lại không phát thải bất kỳ loại khí nhà kính nào. Doanh nghiệp dệt may Việt Nam với những tìm tòi cũng giải quyết được phần nổi của bài toán giảm khí nhà kính. Còn phần chìm thì rất cần sự hỗ trợ về chính sách.
Theo anh Nguyễn Huy Cơ - Trưởng Phòng Bảo vệ môi trường, Công ty Halead Việt Nam, trong quá trình phát triển sẽ vướng mắc đến một số vấn đề liên quan, như về phòng cháy chữa cháy, về môi trường nên rất cần sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan chức năng có liên quan.
Nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện đã chủ động kiểm kê khí nhà kính để áp dụng các biện pháp giảm carbon. Đây là bước đi cần thiết khi chúng ta muốn giữ vững vị trí xuất khẩu.
Nỗ lực thay đổi thói quen theo lối sống xanh của mỗi người để giảm phát thải khí nhà kính sẽ làm cho dấu chân carbon dần nhỏ lại, góp phần trung hòa được lượng phát thải và lượng hấp thụ. Trong hành trình này, vai trò của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp vô cùng quan trọng. Và hi vọng năm 2024 sẽ là năm chuyển đổi xanh mạnh mẽ trong mỗi doanh nghiệp và trong tâm thức của mỗi người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!