Khi nhắc đến từ "Frankenstein", phần lớn mọi người đều nghĩ tới những
con quái vật, nhà khoa học điên và những thí nghiệm rùng rợn. Tuy
nhiên, trong tiếng Đức, cái tên này đã xuất hiện từ rất lâu trước khi nữ
nhà văn Mary Shelley sáng tác cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Frankenstein.
Từ "Frank" là tên một bộ lạc cổ còn "Stein" có nghĩa là đá. Vì vậy,
rất nhiều nơi ở Đức cùng chia sẻ cái tên này. Tuy nhiên, tòa nhà gắn
liền với tiểu thuyết của bà Shelley nhất chính là lâu đài Frankenstein
nằm trên đỉnh thung lũng Rhine, trong khu vực dãy núi Odenwald phía Nam
nước Đức.
Với vị trí nhìn bao quát TP Darmstadt, tòa lâu đài xây từ thế kỷ XIII
này từ lâu đã được bao quanh bởi hàng loạt câu chuyện thần bí.
Lâu đài Frankenstein - Đức. Ảnh: Alamy Stock Photo
Câu chuyện về một nhà giả kim
Tại vùng đất này, không có ai nổi tiếng hơn ông Johann Conrad Dippel.
Ra đời tại lâu đài Frankenstein năm 1673, người đàn ông này trở thành
nhà giả kim chính thức tại đây. Ông Dippel say mê nghiên cứu các loại
thần dược và thí nghiệm với tham vọng nắm được bí quyết trường sinh bất
tử.
Sau khi thường xuyên thí nghiệm trên xác chết động vật, người đàn ông
này tạo ra một loại dầu mang tên "Dầu của Dippel" từ sừng, máu, da và
ngà voi. Nhà giả kim tuyên bố hỗn hợp dung dịch màu đen này là "thần
dược của cuộc sống", có thể chữa bất cứ loại bệnh gì, từ động kinh tới cảm lạnh thông thường.
Trong khi không có bằng chứng nào cho thấy người đàn ông này thật sự
thí nghiệm trên xác người, ông Dippel đặc biệt tỏ ra hứng thú với ngành
giải phẫu và viết về niềm tin vào khả năng chuyển linh hồn từ cơ thể này
sang cơ thể khác bằng phễu, ống và dầu.
Ông Dippel qua đời vì một cơn đột quỵ năm 1734, chỉ một năm sau khi
tuyên bố ông sẽ sống tới 135 tuổi. Tuy nhiên, nhiều người phỏng đoán ông
này bị đầu độc do bị người dân địa phương không mấy ưa thích.
Tòa lâu đài vẫn giữ được kiến trúc Gothic. Ảnh: Alamy Stock Photo
Tàn tích đằng sau huyền thoại văn học
Nhiều lời đồn đoán khẳng định anh em nhà Grimm đã kể lại câu chuyện u
ám của ông Dippel với mẹ kế của bà Shelley, một nữ dịch giả truyện cổ
tích người Anh.
Bà Shelley sau đó du lịch đến vùng Rhine gần tòa lâu đài năm 1814, 4 năm trước khi xuất bản tác phẩm Frankenstein. Tuy nhiên, nữ tác giả chưa bao giờ khẳng định lấy cảm hứng viết sách từ tòa lâu đài hay ông Dippel.
Thế nhưng, điều này không hề cản bước các du khách đặt chân đến lâu
đài huyền bí Frankenstein để đắm mình trong những câu chuyện ma quái.
Tòa lâu đài từng là một đống đổ nát trong những năm 1700 nhưng sau đó
được phục hồi vào giữa thế kỷ 19. Tuy nhiên, những viên đá trên các bức
tường thấp và phần lớn cây cầu gốc vẫn còn nguyên vẹn. Cùng với những
con đường rừng bao phủ xung quanh, chúng tạo ra nguồn cảm hứng vô tận
cho những câu chuyện dân gian.
Lâu đài Frankenstein khá vắng lặng dù mở cửa tham quan miễn phí. Ảnh: Alamy Stock Photo
Sự du nhập của lễ hội ma quỷ
Cứ mỗi tháng 10, những người muốn tìm kiếm cảm giác rùng rợn thót tim
có thể dễ dàng đến thăm lâu đài Frankenstein khi đây là nơi tổ chức một
trong những bữa tiệc Halloween lớn nhất nước Đức.
Sau Thế chiến II, lính Mỹ đóng quân tại căn cứ không quân Rhein Mein
gần đó. Khi những lễ hội ăn mừng Halloween hàng năm trở nên quá ồn ào
tại các doanh trại, những người lính bắt đầu dời địa điểm tổ chức sang
lâu đài Frankenstein vào năm 1978 và dần biến thành truyền thống.
Qua nhiều năm, lễ hội Halloween tại đây ngày một lớn dần và trở thành
một trong những nơi tổ chức lễ hội ma quỷ lớn nhất châu Âu. Điều này
càng trở nên đặc biệt hơn khi trước đó, người Đức không có truyền thống
kỉ niệm ngày lễ này.
Đối với thời gian còn lại trong năm, tòa lâu đài trung cổ này lại chìm vào tĩnh mịch dù mở cửa cho du khách tham quan miễn phí.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!