Theo các nhà nghiên cứu, vào thế kỷ XIV, XVI, cùng với làng gốm Bát Tràng, làng gốm cổ Chu Đậu ở Hải Dương nổi tiếng với những sản phẩm gốm đặc trưng tinh tế thể hiện sự phóng khoáng, sáng tạo đậm chất dân gian của đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Đây là một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao ở khu vực và trên thế giới.
Trong quá trình khai quật con tàu đắm ở Cù Lao Chàm, các nhà khảo cổ đã thu được khoảng 270.000 hiện vật, trong đó có những hiện vật cực kỳ quý hiếm, được công nhận là bảo vật quốc gia như bình gốm hoa lam vẽ thiên nga hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Chiếc bình có màu men rất đẹp, tiêu biểu cho men của thế kỷ XV. Ngoài ra, các sản phẩm khác phần lớn đến từ làng gốm Chu Đậu đang trên đường xuất khẩu.
Mặc dù phát triển rực rỡ trong thế kỷ XV-XVI nhưng làng nghề Chu Đậu đã bị tàn phá dẫn đến thất truyền vào những năm cuối thế kỷ XVI trong cuộc nội chiến thời Lê Trịnh Mạc. Đến những năm đầu thế kỷ XXI, làng nghề Chu Đậu đã được hồi sinh và men gốm hoa lam đặc trưng xưa cũng được phục hồi, phát huy những tinh hoa của làng gốm cổ, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Trước những năm 90, thôn Chu Đậu vẫn được biết đến là nơi người dân sinh sống bằng nghề dệt chiếu cói và làm nông. Sau khi nhận được thông tin về chiếc bình gốm hoa lam quý giá được trưng bày tại Bảo tàng Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), lãnh đạo tỉnh Hải Hưng khi ấy đã đề nghị các nhà khảo cổ học trong nước và quốc tế tiến hành cuộc khai quật cùng nhiều cuộc khảo sát, thu thập tài liệu và đi đến kết luận: Trung tâm sản xuất gốm mỹ nghệ cao cấp thế kỷ XV - XVI chính là Chu Đậu.
Khi đã xác định được quê hương của làng gốm cổ Chu Đậu, vấn đề đặt ra cho chính quyền và nhân dân địa phương là liệu có thể khôi phục được làng nghề này hay không? Câu trả lời lúc ấy là cần làm và phải làm. Tuy nhiên, để làm được điều này, công ty cổ phần gốm Chu Đậu khi ấy đã phải dồn rất nhiều tâm sức.
Đến năm 2001, nghề làm gốm Chu Đậu đã được chính thức hồi sinh. Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tìm cách khôi phục lại men gốm hoa lam đặc trưng của dòng gốm cổ. Tuy nhiên, do thiếu tài liệu và gần như không còn ai am hiểu về gốm Chu Đậu xưa nên hành trình cũng không hề dễ dàng. Những người làm gốm đã phải mất nhiều thời gian, công sức và trải qua nhiều thất bại.
Theo các nhà nghiên cứu và sưu tầm, lớp men gốm chính là yếu tố tạo nên sự độc đáo, nét tinh tế và thể hiện kỹ thuật đỉnh cao cho tác phẩm gốm. Họ cho rằng nếu vẻ đẹp tác phẩm gốm phần lớn phụ thuộc vào bàn tay nghệ nhân thì lớp men gốm chính là yếu tố quan trọng tạo nên một kiệt tác hoàn hảo. Đối với gốm cổ Chu Đậu, men gốm lại càng được coi trọng vì nó là một trong những yếu tố tạo nên thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế cho dòng gốm mỹ nghệ này.
Cũng như các đồ gốm sứ khác, lớp men gốm Chu Đậu là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng và độ bền của sản phẩm. Men gốm có tính chất vật lý và hoá học tương tự như thuỷ tinh nhưng bề mặt cứng hơn, không thấm nước và sáng bóng, ít bị dính bẩn. Điều thú vị là với cùng một bài men, một cách phun hoặc nhúng, tráng men lên bề mặt sản phẩm nhưng khi nung lại cho ra những màu men có độ trong, độ bóng khác nhau.
Để làm ra một sản phẩm gốm mỹ nghệ tinh xảo, đặc biệt là tạo được lớp men đặc sắc góp phần tạo nên sự hoa mỹ cho sản phẩm, người thợ gốm cần trải qua rất nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn lại đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, sự sáng tạo và bí quyết riêng.
Có thể nói, hành trình tìm lại bài men đặc trưng của gốm Chu Đậu chính là tìm lại giá trị độc đáo của dòng gốm hoa lam. Điều này cũng đã góp phần tạo dựng nên thương hiệu của gốm Chu Đậu ngày nay, giúp các sản phẩm của làng nghề được nhiều người ưa chuộng cả ở trong nước và trên thị trường quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!