Làng nghề sản xuất gạch gốm ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đã hình thành từ hàng trăm năm qua. Nhờ chất lượng của đất sét địa phương, kết hợp với bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của con người, các sản phẩm gốm đỏ từ đây có hình dáng và màu sắc ưa nhìn…
Ở thời huy hoàng nhất, làng nghề có vài nghìn miệng lò hoạt động, giúp nhiều gia đình ăn nên làm ra. Đến tận ngày nay, tuy phải trải qua nhiều khó khăn và có phần vơi bớt sung túc, nhưng làng nghề vẫn còn đó không ít người kiên trì giữ màu gốm đỏ.
Anh Dương Văn Út (Xã An Phước, Mang Thít, Vĩnh Long) cho biết: "Ở đây là nghề gốm đỏ lâu đời, do ông bà hồi xưa để lại. Tui mê cái nghề này từ hồi xưa tới giờ. Năm 90 tới giờ, tui không đi làm gì hết, chỉ sống nhờ nghề gốm này".
Ông Lưu Văn Tám (Thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) chia sẻ về nghề: "Làm ra được cái chậu là cực khổ lắm chứ hổng sung sướng. Nhưng từ cục đất mà ra cái chậu, mình đổi được gạo, đồ ăn uống trong gia đình, rồi thu nhập tiền đó cho con cái đi học".
Bà Lê Thị Chính (Xã An Phước, Mang Thít, Vĩnh Long) nói: "Như ai siêng giỏi thì tiền nhiều. Mà mình xu riết, oải thì nghỉ sớm. Rắc xi măng này cực lắm, bụi bặm, thúi móng hết trơn chứ đâu phải làm cái này sướng đâu, cũng như mình vọc sình vậy. Nhưng khỏe cái mưa nắng cũng chỉ ở trong nhà".
Ông Tô Văn Hồng (Xã Hiếu Thành, Vũng Liêm, Vĩnh Long) chia sẻ: "Mấy năm trước kìa, tui mần dữ lắm. Mần sáng chiều, có khi mần tới ban đêm luôn. Còn giờ thì hổng có, ít đồ rồi".
Anh Dương Văn Út nhớ lại: "Hồi mấy năm về trước, nhiều công ty làm gốm, nhưng bây giờ giảm bớt rồi. Thấy mấy chỗ mà để cỏ mọc lên um tùm hết trơn là tui cũng đau lòng, đau xót lắm".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!