"Giải mã cuộc sống": Quay ngược ký ức với những chiếc cổng làng

PV-Thứ tư, ngày 05/01/2022 15:29 GMT+7

VTV.vn -Trải qua năm tháng, cổng làng không chỉ là nơi phân địa giới của làng mà còn trở thành biểu tượng văn hóa của làng quê.

Bên cạnh cây đa, giếng nước, sân đình, trong tiềm thức nhiều người, cổng làng là một trong những nét riêng không thể thiếu của làng quê Việt xưa. Bình dị, thân thương và đậm nét văn hóa làng, cổng làng gắn liền với sự hình thành và phát triển của ngôi làng đó. Cổng làng là điểm đầu tiên chúng ta đặt chân về làng, là ranh giới giữa những ngôi làng với nhau, giữa làng với không gian bên ngoài. Trải qua năm tháng, cổng làng không chỉ là nơi phân địa giới của làng mà còn trở thành biểu tượng văn hóa của làng quê.

Vẻ đẹp của cổng làng gắn với nền văn minh lúa nước, mang tính phác họa, gợi nên những ước vọng của cộng đồng từ đời này qua đời khác. Cổng làng là nơi như có dáng đứng của cha, có vòng tay của mẹ, nơi tâm điểm để ta lượng đo sức mình khi đi xa và ngược lại, nó cũng là nơi hút về những nỗi nhớ, những hoài niệm về quê hương. Sau mỗi cánh cổng là cả một xã hội thu nhỏ, ở đó có họ hàng, làng xóm, có đình đám hội hè và những phong tục rất riêng. 

Giải mã cuộc sống: Quay ngược ký ức với những chiếc cổng làng - Ảnh 1.

Cổng làng là một trong những bộ phận cấu thành không thể thiếu của làng quê truyền thống Bắc bộ, chủ yếu là những vùng trồng lúa hoặc có văn hóa làng xã. Ở đồng bằng Bắc bộ, hầu như ở đâu có làng, ở đó có cổng làng. Dù to hay nhỏ, dù xây bằng gạch hay bằng đá, chiếc cổng làng tượng trưng cho một nếp làng bề thế, thể hiện cả cốt cách của ngôi làng cũng như những người dân ở trong làng. 

Đến với làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai, Hà Nội), nơi đây không chỉ nổi tiếng với nghề làm giò chả mà còn được biết đến với những công trình kiến trúc và không gian văn hóa truyền thống. Trong đó, không thể không nhắc đến cổng làng Ước Lễ - một trong những cổng làng đẹp nhất và cổ nhất ở Hà Nội còn lại cho đến ngày nay.

Giải mã cuộc sống: Quay ngược ký ức với những chiếc cổng làng - Ảnh 2.

Cổng làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai, Hà Nội)

Cổng làng Ước Lễ được xây dựng từ khoảng thế kỷ XVI - XVII, được xây uốn hình vòm parabol, đây là sự phối hợp của hình vuông với hình tròn theo triết lý âm dương của người Việt. Vòm cổng được ghép bằng gạch viên và chít bằng vữa tạo hình vòm cong với những đường lượn khéo léo. Nhìn tổng thể kiến trúc, cổng làng Ước Lễ nhìn từ xa cho ta cảm giác về một công trình kiến trúc vững chắc, đồ sộ như một công trình quân sự. Cổng nằm ở đầu làng, chiếm một không gian lớn với cây cầu, cổng vòm, tường gạch có kích thước khá lớn.

Cổng làng được dùng như một quy ước không gian hơn là một giới hạn địa lý của làng. Nó không ngăn che được về vật lý cũng như thị giác thế nhưng làng không cổng chẳng khác gì nhà không cửa. Nó được coi là một dấu hiệu đánh mốc trong và ngoài của không gian làng. Tùy thuộc vào địa thế mà mỗi làng có thể dựng một hoặc hai cổng (cổng tiền và cổng hậu). 

Từ xưa tới nay, người ta quan niệm khi xây cổng tiền thường hướng về phía Đông - nơi bắt nguồn ánh sáng của sự sống, hướng của gió lành, hướng của mặt trời mọc - để đón những niềm vui, những điều tốt lành. Còn cổng hậu thường hướng ra phía Tây - hướng mặt trời lặn - để tiễn đưa những vướng bận, buồn rầu. Như vậy có thể thấy, việc chọn hướng xây cổng đều xuất phát từ mong muốn mang lại phúc lộc, niềm vui cho người dân làng.

Giải mã cuộc sống: Quay ngược ký ức với những chiếc cổng làng - Ảnh 3.

Cổng làng vốn không phải một công trình kiến trúc mang tính tâm linh như đình làng, chùa, miếu... Tuy nhiên, trong quá trình hình thành làng xã, người ta đưa những yếu tố tâm linh vào trong kiến trúc cổng. Có thể lấy ví dụ như ở một số cổng làng, phía trước cổng người ta thường đặt một đôi chó đá để giúp canh giữ, bảo vệ làng. Ngoài ra, một số làng đặt bia Hạ mã với ý nghĩa: khi quan khách hoặc dân thường đến/trở về làng đều phải xuống xe, xuống ngựa để tỏ ý tôn trọng. Một số con vật linh cũng được đưa vào họa tiết cổng làng để trang trí như lân, rồng, phượng... tạo cho không gian cổng làng trở nên linh thiêng.

Cổng làng ngoài giá trị vật chất còn phát huy những giá trị văn hóa tinh thần từ bao đời được tiếp nối trở thành gương mặt của làng. Lẽ sống của người làng được ghi tạc ở cổng làng luôn sáng ngời những giá trị chân - thiện - mỹ. Những đại tự, câu đối được ghi tạc, đắp nổi ở trên cổng làng chính là niềm tự hào của người dân làng. Mỗi câu đối, hoa văn, họa tiết trang trí trên cổng đều mang ý nghĩa riêng. Thường xuất hiện nhiều ở các cánh cửa, nghi môn là hình tượng dơi gắn với yếu tố cầu phúc. Ngoài ra, hình ảnh cá chép vượt ngũ môn hay lân được chạm đi đôi với rùa trong hình thức đắp nổi - biểu tượng muôn thuở mà rùa thường mang theo - là sự bền vững, tượng trưng cho sự trường tồn và cao quý, thể hiện cho mong muốn, những lời dạy bảo của người xưa dành cho con cháu. 

Mời các bạn đón xem chương trình "Giải mã cuộc sống" được phát sóng vào 21h thứ 7 hàng tuần trên kênh VTV2!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước