"Giải mã cuộc sống": Thánh Gióng, tên gọi và thế giới biểu tượng trong truyền thuyết

PV-Thứ bảy, ngày 25/12/2021 13:46 GMT+7

VTV.vn - Truyền thuyết Thánh Gióng tàng ẩn nhiều mã văn hóa, cả chiều rộng lẫn chiều sâu, cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của người Việt Nam.

Kể từ khi ra đời, truyền thuyết Thánh Gióng mang đậm những giá trị tiêu biểu, đặc thù của người Việt. Nội dung câu chuyện xoay quanh nhân vật Thánh Gióng với kết cấu gồm 3 phần: nguồn gốc xuất thân - sự ra đời kì lạ của nhân vật, chiến công hiển hách và cuối cùng là sự hóa thân của nhân vật. Mỗi một tên gọi của Thánh Gióng lại mang những lớp văn hóa của từng thời kỳ lịch sử.

Những tên gọi của Thánh Gióng

Giải mã cuộc sống: Thánh Gióng, tên gọi và thế giới biểu tượng trong truyền thuyết - Ảnh 1.

Đền Phù Đổng (hay còn gọi là Đền Gióng) nằm ở xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội). Kiến trúc đền chủ yếu là những mảnh ghép của những công trình thời Lý, thời Lê trung hưng và cả thời Nguyễn. Hiện trong đền còn lưu giữ hơn 20 đạo sắc phong phong cho Đức Thánh Gióng, trong đó nhiều nhất là thời Lê sơ và thời Nguyễn.

Theo truyền thuyết, sau khi Thánh Gióng đánh thắng giặc và lên núi Sóc Sơn, quay đầu về lạy mẹ, cả người và ngựa từ từ bay lên trời. Nhà vua ghi nhớ công ơn, cho lập đền thờ tại quê nhà và phong là Phù Đổng Thiên Vương. Danh xưng này đã ra đời từ thời Hùng Vương thứ VI.

Dưới góc độ văn hóa dân gian, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ đã đưa ra những kiến giải về sự xuất hiện của cụm từ Phù Đổng Thiên Vương. Dựa vào các âm cổ Hán tự, "Đổng" trong ngôn ngữ học để chỉ những con người khổng lồ, những vị thiên vương hoặc các vị hộ pháp được hình tượng hóa. Ở thời Lý, Thánh Gióng được phong là Xung Thiên Thần Vương như một biểu tượng của nền độc lập tự chủ của Đại Việt. Đến thời Lê sơ, Thánh Gióng được phong là Phù Đổng Thiên Vương.

Giải mã cuộc sống: Thánh Gióng, tên gọi và thế giới biểu tượng trong truyền thuyết - Ảnh 2.

Như vậy, tới nhà Lê, hình tượng Thánh Gióng lại được nâng lên thêm một bậc. Trong Phật giáo, Thiên Vương để chỉ tầng trời tiếp giáp cõi Sa bà, bảo vệ cho Phật pháp. Đến nhà Lê, Thần Vương được nâng cấp trở thành Thiên Vương: Phù Đổng Thiên Vương trấn trị một vùng phương Đông.

Cũng ở thời Lê sơ, vua đã sai sử quan Ngô Sĩ Liên sưu tầm sách vở các đời để chép bộ Đại Việt Sử Ký toàn thư. Truyền thuyết về Phù Đổng Thiên Vương cũng được Ngô Sĩ Liên đưa vào chính sử, tuy nhiên đã rút gọn rất nhiều so với Lĩnh Nam chích quái. Tuy nội dung truyền thuyết có một vài chi tiết khác nhau nhưng ẩn sâu trong đó vẫn là những dấu ấn của Phật giáo.

Xét theo chức năng, cho đến thời Lê sơ, hình tượng một vị thần hộ pháp Xung Thiên Thần Vương đã phát triển thêm trở thành Thiên Vương trấn giữ một phương trời. Theo giả thuyết của nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ, nếu xét kinh thành Thăng Long là trung tâm của Phật giáo thời Lý thì những vị thần khổng lồ như Lý Phục Man ở phía Tây (Yên Sở), Sóc Thiên Vương ở phía Bắc (Sóc Sơn) và Thánh Gióng ở phía Đông (Phù Đổng) chính là những vị Thiên Vương bảo vệ cho kinh thành Thăng Long. Đối với vị Thiên Vương phía Nam, nhà nghiên cứu vẫn chưa thể đưa ra giả thuyết nào.

Những thông điệp sau chiến công và sự hóa thân của nhân vật Thánh Gióng

Có thể nói, truyền thuyết Thánh Gióng đã phản ánh nhiều về lịch sử văn hóa của người Việt nói chung. Ở đó, các tín ngưỡng dân gian cũng được thể hiện như sự hội tụ đủ tư tưởng tam giáo: Nho, Phật và Đạo. Trong đó, các yếu tố Phật giáo được thể hiện đậm đà hơn cả.

Theo truyền thuyết, sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng đã bay về trời từ ngọn núi Vệ Linh. Dân gian cho rằng, những đầm ao dưới chân núi này chính là dấu chân ngựa của Thánh Gióng. Do đó, tại núi Sóc cũng có ngôi đền Thượng thờ Sóc Thiên Vương.

Giải mã cuộc sống: Thánh Gióng, tên gọi và thế giới biểu tượng trong truyền thuyết - Ảnh 3.

Sách Lĩnh Nam chích quái chép về vị thần nhuốm màu huyền thoại được thờ ở đây như sau: "Thời Lê Đại Hành, Khuông Việt thái sư Ngô Chân Lưu thường tới làng Bình Lỗ. Ở đây, ông gặp vị thần tên là Tỳ Sa Môn Đại Vương. Người được Thiên Đế sai tới để bảo hộ cho hạ dân nơi đó. Sau đó, thần giúp vua Lê Đại Hành dẹp giặc. Vua cảm sự anh linh của thần, cho xây miếu Võ, phong làm Sóc Thiên Vương để trấn giữ phương Bắc. Phù Đổng Thiên Vương sau khi dẹp giặc, cưỡi ngựa sắt đến núi Vệ Linh ở phía Tây rồi bay về trời".

Đức Thánh Gióng từ một xã thần ở Phù Đổng trở thành một vị thần hộ pháp trong Phật giáo là sự phát triển của một vị thần bản địa. Dân gian bằng sự sáng tạo của mình đã biến đây thành câu chuyện hấp dẫn về người anh hùng trẻ tuổi nhưng đầy khí phách. Cho đến sau này, dân gian vẫn giữ lại cho cậu bé làng Gióng những hình ảnh ban đầu của Xung Thiên Thần Vương với mũ sắt, giáp sắt như thể hiện một tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Tinh thần này đã được Cao Bá Quát đúc kết trong 2 câu thơ: "Phá tặc đãm hiềm tam tuế vãn/ Đằng không do hận cửa thiên cơ" (Đánh giặc lên ba hiềm đã muộn/ Lên mây tầng chín giận chưa cao).

Như vậy, truyền thuyết Thánh Gióng tàng ẩn nhiều mã văn hóa, cả chiều rộng lẫn chiều sâu, cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Nó vừa phản ánh lịch sử dựng nước trong buổi đầu chinh phục thiên nhiên, sản xuất nông nghiệp, khai phá vùng châu thổ Bắc bộ, đồng thời phản ánh quá trình giữ nước chống giặc ngoại xâm, truyền thống quân sự của người Việt Nam.

Mời các bạn đón xem chương trình "Giải mã cuộc sống" được phát sóng vào 21h thứ 7 hàng tuần trên kênh VTV2!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước