Giải mã cuộc sống: Sự thật về chiếc bát thấu quang dành riêng cho nhà Vua

Hà Linh (Theo Ban Khoa Giáo)-Thứ bảy, ngày 07/09/2024 06:08 GMT+7

VTV.vn - Chiếc bát thời Lê Sơ này đạt tới độ tinh mỹ cực cao thậm chí kể cả khi so sánh với thời đại ngày nay.

Trước thời điểm diễn ra cuộc khai quật khảo cổ 18 Hoàng Diệu (Hà Nội) năm 2002, giới nghiên cứu lịch sử gần như không có ý niệm về đồ sứ Thăng Long hay những đồ gốm sứ thiết thực của Việt Nam được dùng trong Hoàng cung Thăng Long qua các triều đại. Tuy nhiên, trong cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay tại khu di tích, các chuyên gia đã tìm được rất nhiều món đồ dành riêng cho Nhà vua.

Trong đó đặc biệt có hai chiếc bát vô cùng tinh xảo, đặc sắc nhất là việc đặt dưới ánh sáng có thể xuyên qua, tạo nên một hiệu ứng thị giác vô cùng độc đáo, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2021. Căn cứ hình dáng, hoạ tiết, hoa văn trang trí, đặc biệt là về mặt địa tầng và di tích xuất lộ của hiện vật, có thể thấy chiếc bát được làm dưới thời Lê Sơ có niên đại khoảng thế kỷ XV - XVI. 

Giải mã cuộc sống: Sự thật về chiếc bát thấu quang dành riêng cho nhà Vua - Ảnh 1.
Giải mã cuộc sống: Sự thật về chiếc bát thấu quang dành riêng cho nhà Vua - Ảnh 2.

Chiếc bát nhỏ hơn được định danh mã A22-3071 được phát hiện tại hố A22, thuộc khu A, khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu cùng với nhiều di vật gốm men cao cấp thời Lê Sơ. Vị trí phát hiện của bát nằm trong lớp đất trầm tích của dòng chảy, nằm giữa khu A và khu B. Bát có dáng hình cầu, thân cong tròn đều, miệng loe, mép miệng vê tròn và hơi bẻ ra bên ngoài. Chân đế cao, thành rất mỏng, các chuyên gia thường ví von là mỏng như vỏ trứng. Độ dày trung bình chỉ 0,15 - 0,3cm, xương trắng đục, men trong, hoa văn in nổi trong lòng trước khi phủ men.

Cách miệng khoảng 2cm về phía lòng bát là 2 đường chỉ nổi, phía dưới là đồ án hoa văn chính: đôi rồng được thể hiện trong tư thế đang bay lượn trong mây, đầu ngẩng cao, miệng nhả ngọc. Thân uốn thành nhiều khúc, đuôi duỗi thẳng về phía sau như cái bánh lái, vây giương cao. Rồng có 4 chân, 5 ngón giang rộng như đang muốn cầm nắm lấy ngọc báu ở phía trước. Đặc biệt, rồng có bờm và trán nổi u. Chân rồng giang móng là biểu tượng của sức mạnh, biểu trưng cho quyền lực của thiên tử.

Bát thứ hai có kích thước lớn hơn, được định danh mã A9-2714 gần như tương đồng với chiếc bát thứ nhất. Không được may mắn như chiếc bát kia, khi mới xuất lộ, chiếc bát này đã bị vỡ và mất một số mảnh. Sau khi được nhấc lên, các mảnh vỡ được ghép lại. Phần mảnh bị mất đã được phục nguyên bằng chất liệu bột đá và keo 2 thành phần.

Tuy nhiên, chi tiết đặc biệt nhất ở cả 2 chiếc bát chính là việc ở giữa lòng bát in nổi chữ "Quan". Nhiều giả thuyết được các chuyên gia đặt ra hé lộ nhiều sự thật thú vị chưa từng được ghi chép trong sử sách. Các nhà nghiên cứu tin rằng đây là minh chứng cho thấy chiếc bát là sản phẩm của lò quan tức lò do quan xưởng thiết lập, chuyên sản xuất các vật dụng dành cho triều đình.

Lò gốm quan xưởng đã tồn tại trong suốt thời gian ngự trị của các vương triều, từ thời Lý, Trần đến thời Lê Sơ với lịch sử dài hơn 500 năm. Các chuyên gia phỏng đoán các lò gốm này có thể nằm ở trên bờ sông Hồng hoặc phía Tây kinh thành Thăng Long. Vì lò quan chuyên sản xuất đồ gốm sứ cho hoàng cung nên có thể thấy chất lượng của chiếc bát đạt đến độ tinh mỹ cực cao kể cả là so với thời đại hiện tại.

Giải mã cuộc sống: Sự thật về chiếc bát thấu quang dành riêng cho nhà Vua - Ảnh 4.

Chữ "Quan" giữa lòng bát.

Quan sát hoa văn đạt đến độ tinh xảo của 2 chiếc bát, có thể khẳng định kỹ thuật tạo dáng và in ấn hoa văn cũng đã thể hiện một bước phát triển vượt bậc của trình độ sản xuất gốm sứ thời Lê Sơ. Để hoàn thiện sản phẩm, các nghệ nhân phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt như xương được làm từ cao lanh và có phủ men, nhiệt độ nung từ 1.200 độ C trở lên. Nguyên liệu làm nên 2 chiếc bát là loại cao lanh có độ tinh khiết rất cao. Nghe qua tưởng chừng đơn giản, song, tinh khiết không phải điều kiện đủ để cho ra một chiếc bát thấu quang. Ẩn sâu bên trong đó là những bí mật về việc lựa chọn nguyên vật liệu mà người xưa không ghi chép lại ở bất kỳ tài liệu nào.

5 vị trí lựa chọn phân tích của 2 chiếc bát đều phát hiện 7 nguyên tố chính bao gồm: vàng, sắt, mangan, paladi, ytri, kẽm và zirconi. So sánh với các thành phần đồ gốm đã được làm bằng cung phương pháp, có thể thấy một số điểm khác lạ, đó là sự thiếu vắng của nhôm và sillic - những nguyên tố chủ yếu của đất sét trắng và cao lanh. Đáng ngạc nhiên nhất là sự xuất hiện của paladi và zirconi. Tính chất của paladi có lẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng với một chiếc bát tinh xảo, mỏng như vỏ trứng.

Chắc chắn rằng người thợ gốm dưới thời Lê Sơ chưa biết paladi và zirconi là gì. Tuy nhiên, bằng vốn kinh nghiệm dày dặn được tích luỹ qua thời gian, sự tinh tường, khéo léo cao độ đã giúp những người thợ gốm cho ra những sản phẩm mà không chỉ ở trong nước, nó còn vang danh khắp nhiều vùng lãnh thổ ngay từ khi được ra đời. Việc công nhận đây là bảo vật quốc gia chính là sự tự hào không chỉ về giá trị của hiện vật mà còn là sự tự tôn về trình độ, bàn tay, khối óc của người Việt trong việc xây dựng nền văn minh vật chất của một dân tộc ngàn năm văn hiến.

Giải mã cuộc sống: Đao cẩn tam khí - Báu vật dưới lòng Hoàng Thành Giải mã cuộc sống: Đao cẩn tam khí - Báu vật dưới lòng Hoàng Thành Giải mã cuộc sống: Hành trình tìm lại men gốm Chu Đậu Giải mã cuộc sống: Hành trình tìm lại men gốm Chu Đậu 'Giải mã cuộc sống': Độc lạ nhà xoay 360 độ ngay tại Việt Nam "Giải mã cuộc sống": Độc lạ nhà xoay 360 độ ngay tại Việt Nam

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước