Nền kinh tế của Tây Ban Nha đang trên đà phục hồi nhưng vẫn không có đủ việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học. Nhiều thanh niên trẻ tài năng, đầy tham vọng nhưng vẫn phải chật vật tìm việc làm phù hợp. Nhiều người phải chấp nhận làm những công việc tạm thời, được trả lương thấp. Chi phí sinh hoạt cao khiến rất nhiều sinh viên tốt nghiệp phải sống cùng bố mẹ.
Phát tờ rơi chưa bao giờ là công việc mà anh Luca nghĩ tới. Sau khi lấy bằng thạc sĩ quản lý nguồn nước, anh nghĩ cuộc sống của mình sẽ khác đi rất nhiều. Chuyên gia môi trường này đã tìm kiếm một công việc phù hợp trong hơn nửa năm qua nhưng cơ hội tìm việc làm không sáng sủa. Mặc dù muốn sống riêng nhưng anh chưa thể thực hiện được ngay lúc này.
Em của Luca cũng ở nhà. Chị Carlota 22 tuổi học ngành du lịch nhưng phải làm ở quầy làm thủ tục cho một hãng hàng không. Tuy nhiên, việc này chỉ làm trong 11 tháng, sau đó chị phải tìm công việc khác.
Tương tự, anh Juan Miguel, 28 tuổi, đã làm nhiều công việc khác nhau. Anh làm bồi bàn trong quán cà phê và cũng làm công việc trợ giúp người khuyết tật trong sân bay. Anh muốn tìm công việc trong một trường học nào đó kể từ khi có bằng đại học sư phạm 4 năm trước. Anh Juan Miguel đang nghĩ tới việc sang nước khác làm việc nhưng anh sẽ phải rời xa gia đình nên vẫn đang cố tìm việc trong nước.
Anh Juan Miguel tìm kiếm sự giúp đỡ tại trung tâm tư vấn Arrabal. Tư vấn viên ở đây nói rằng gốc rễ của vấn đề là cấu trúc của nền kinh tế Tây Ban Nha. Đó là có ít tập đoàn lớn, nơi những sinh viên tốt nghiệp có thể tìm việc làm còn những doanh nghiệp nhỏ lại muốn tìm những lao động có tay nghề. Trong khi đó, các trường đại học hiện đang quá tải sinh viên. Khi ra trường, nhiều sinh viên không tìm được việc làm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!