Hiểm họa béo phì ở trẻ nhỏ

Đỗ Hòa - Ngọc Phức-Thứ hai, ngày 04/03/2024 16:51 GMT+7

VTV.vn - Béo phì vốn không được gọi là bệnh nhưng lại là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm.

Béo phì đang thực sự là một hiểm họa cho sức khỏe của thế hệ tương lai khi tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em đang tăng nhanh trên thế giới cũng như ở nước ta trong những năm trở lại đây…

Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc của Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em độ tuổi 5 - 19 tuổi đã tăng gần gấp 3 lần, từ 7,4 % năm 2010 lên 19,0% năm 2020 và trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Ít vận động, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, đặc biệt là sử dụng nhiều thực phẩm, đồ uống chứa nhiều đường được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì.

Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh ở nước ta năm 2013 cho thấy, tỷ lệ học sinh từ 13-17 tuổi uống nước ngọt ít nhất 1 lần/ngày là hơn 30%. Tỷ lệ này đã tăng thành gần 34% vào năm 2019. Đồng thời mức tiêu dùng đồ uống có đường bình quân trên đầu người đã tăng rất nhanh qua các năm, từ 35 lít/người vào năm 2013 lên 52 lít/người vào năm 2020.

Hiểm họa béo phì ở trẻ nhỏ - Ảnh 1.

TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung Ương

Sự gia tăng đáng kể về mức tiêu thụ đồ uống có đường này cho thấy sự cần thiết của việc cần hành động nhanh chóng để giảm mức tiêu thụ, bảo vệ và cứu tính mạng con người. Bằng việc áp thuế lên đồ uống có đường, chúng ta có thể giảm tỉ lệ thừa cân, béo phì, đặc biệt là ở trẻ em, và đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm ở thế hệ sau này.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo việc tiêu thụ đường tự do, chủ yếu là các loại đường được thêm vào thực phẩm hoặc đồ uống nên được giới hạn ở mức ít hơn 25g mỗi ngày… Tuy nhiên, ở nước ta, theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thì trung bình một người tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do mỗi ngày…

Sử dụng đường nhiều hơn… sẽ ảnh hưởng hấp thu các vi chất, đặc biệt là caxin ở trẻ em… Ảnh hưởng đến tầm vóc, đến chiều cao của trẻ… Ăn nhiều đường trong khẩu phần sẽ ảnh hưởng đến chuyển hóa như đái tháo đường…

Theo TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung Ương, thừa cân béo phì từ sớm thì lớn lên vẫn là thừa cân béo phì… Rồi loạn tích lũy mỡ quá mức hơn bình thường thì lúc lớn sẽ dễ bị rối loạn bệnh lý chuyển hóa, đường, chất béo, tim mạch ở người trưởng thành khi bị béo phì ở trẻ em… Giao tiếp xã hội cũng bị cô lập hơn… Có trẻ 12 - 13 tuổi có tình trạng gan nhiễm mỡ, gan to… rối loạn mỡ máu… thậm chí là huyết áp… Rất mất công sức để chữa béo phì, chữa rất lâu và khó…

Thống kê tại Viện dinh dưỡng Quốc Gia cho thấy, tỷ lệ trẻ đến khám thừa cân, béo phì trước năm 2020 chỉ vào khoảng 2%. Và năm 2023, con số này là 1,8% - rất thấp so với tỷ lệ thừa cân, béo phì ngoài cộng đồng. Phần lớn các phụ huynh cho con đến thăm khám là đều là do trẻ còn nhẹ cân, kém ăn với tâm lý mong con béo thì mới khỏe…

 Cha mẹ nuôi con, đương nhiên ai cũng mong con khỏe mạnh, phát triển tốt. Tuy nhiên, tâm lý trẻ có béo mới khỏe, béo là khỏe, là đẹp hay dư cân là của để dành của nhiều bậc phụ huynh sẽ khiến cho việc kiểm soát, điều chỉnh cân nặng của trẻ thừa cân, béo phì thêm nhiều khó khăn… trong khi đây vốn đã là một quá trình không hề đơn giản do trẻ chưa có nhiều ý thức về hình thể…

Hiểm họa béo phì ở trẻ nhỏ - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, giảm cân cho trẻ không thể thực hiện cực đoan, vì dễ gây ra phản ứng ngược cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ…

TS.BS Phan Bích Nga, Trưởng khoa khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc Gia chia sẻ:  "Thấy trẻ tăng cân nhanh thì không phải là hạn chế thực đơn của trẻ… Mà cần phải cân bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý hằng ngày… Cần thăm khám, tham khảo ý kiến của bác sĩ để xây dựng thực đơn, chế độ luyện tập phù hợp cho trẻ".

Phòng tránh béo phì ở trẻ cũng cần đề cao trách nhiệm của người lớn, làm gương với phong cách sống khoa học, chăm chỉ vận động, tập luyện..

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước