Ước tính có khoảng 12 triệu tấn nhựa được thải vào đại dương mỗi năm. Các mảnh vụn nhựa này dần dần phân hủy thành các mảnh nhỏ hơn rất khó nhìn thấy bằng mắt thường nhưng lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, thậm chí có thể trở thành mối đe dọa đối với sự ổn định của khí hậu Trái đất.
Một ước tính gần đây cho thấy có tới 358 nghìn tỷ hạt vi nhựa đang trôi nổi trên các bề mặt đại dương trên khắp trên thế giới và hàng tỷ hạt nữa đang nằm ở những vùng sâu hơn. Các sinh vật biển rất dễ lầm tưởng đây là thức ăn. Các hạt vi nhựa càng nhỏ thì càng nhiều loài có thể ăn chúng, từ cá voi đến những loại động vật phù du nhỏ bé.
Ông Carroll Muffett, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Trung tâm Luật Môi trường quốc tế, cho biết: "Hạt vi nhựa hiện đã có ở khắp nơi trong môi trường biển, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và thậm chí còn cản trở việc lưu trữ carbon và chu trình nitơ trong các đại dương trên thế giới".
Hạt vi nhựa làm ảnh hưởng đến cộng đồng sinh vật biển
Vi nhựa làm tắc nghẽn "máy bơm carbon sống" của đại dương?
Các đại dương trên Trái đất là kho lưu trữ carbon tự nhiên lớn nhất, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu sự gia tăng C02 trong khí quyển. Chức năng lưu trữ carbon diễn ra theo 2 bước: Đầu tiên, C02 trong khí quyển hòa tan trong nước biển ở bề mặt đại dương. Sau đó, các sinh vật biển hấp thụ lượng carbon đó và lưu trữ ở vùng biển sâu. Quá trình thứ hai được gọi là bơm carbon sinh học.
Nghiên cứu cho thấy, việc tiếp xúc với vi nhựa ở nồng độ cao có thể làm thay đổi quá trình quang hợp của các thực vật phù du ở biển như: tảo, vi khuẩn lam… và làm giảm tỷ lệ, khả năng sinh sản của nhiều loại động thực vật nhỏ sống trôi nổi trên đại dương.
Các ước tính cho thấy, lượng carbon được lưu trữ này tương đương với khoảng 100 - 400 phần triệu lượng carbon trong khí quyển. Nếu tất cả được giải phóng cùng một lúc sẽ đẩy hành tinh này vào một thảm họa nhà kính mới.
Hiện tại, các đại dương chưa có nguy cơ loại bỏ toàn bộ lượng carbon đang được lưu trữ nhưng càng ngày càng cho thấy vi nhựa có thể làm suy yếu quá trình bơm carbon sinh học, giảm tốc độ hấp thụ lượng carbon dư thừa của biển. "Những loại động và thực vật trôi nổi trên đại dương tạo thành máy bơm carbon sinh học. Đó là một trong những cơ chế chính mà qua đó đại dương bảo vệ con người khỏi tác động của khí nhà kính" - Muffett giải thích.
Động vật phù du là những sinh vật nhỏ sống trôi nổi trên đại dương (Ảnh: Proyecto Auga)
Hạt vi nhựa có thể làm mất "hơi thở" của đại dương
Ô nhiễm vi nhựa cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất oxy trong nước biển vốn đã có sẵn do tác động của ô nhiễm phân bón tổng hợp và biến đổi khí hậu. Sự nóng lên toàn cầu đang làm cho đại dương ấm hơn, nước ấm hơn thì chứa ít oxy hơn. Biến đổi khí hậu cũng làm gián đoạn các dòng hải lưu và làm tăng sự phân tầng đại dương, ngăn không cho oxy tiếp cận các vùng nước sâu hơn. Những nguyên nhân do khí hậu này đã góp phần làm giảm hơn 2% lượng oxy trong đại dương kể từ năm 1960.
Mức oxy tiếp tục giảm sẽ ảnh hưởng đến khả năng thở của các sinh vật trên biển. Các loại động vật phù du (động vật kích thước nhỏ sống trôi nổi trong nước) ăn hạt vi nhựa sẽ ít ăn thức ăn thông thường của chúng là thực vật phù du dẫn đến sự tích tụ thực vật phù trên bề mặt đại dương. Chất hữu cơ dư thừa này khi chết đi cũng sẽ tiêu thụ oxy trong quá trình phân hủy.
Tảo xanh nở hoa theo mùa trong đại dương (Ảnh: European Space Agency)
Nhiều câu hỏi chưa có lời giải
Trong thập kỷ qua, nhiều nghiên cứu đã cố gắng tính toán số lượng hạt vi nhựa trên bề mặt đại dương, trong cột nước và dưới đáy biển ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Nhưng những ước tính này bị giới hạn bởi độ nhạy của thiết bị dùng để đo chúng.
Melanie Bergmann, nhà sinh vật học tại Viện Alfred Wegener ở Đức, giải thích: "Không phải ai cũng có thể sử dụng các dụng cụ lấy mẫu rất phức tạp và đắt tiền". Điều này khiến việc so sánh giữa các nghiên cứu trở nên khó khăn, cản trở việc đưa ra một con số cụ thể đáng tin cậy về tình trạng ô nhiễm vi nhựa trên toàn cầu. Theo Bergmann, có tới 80 - 90% hạt vi nhựa ở biển có thể bị bỏ qua bởi các kỹ thuật lấy mẫu tiêu chuẩn vì chúng quá nhỏ để có thể phát hiện được. Vị trí chính xác của các hạt vi nhựa trong đại dương và nơi chúng tích tụ nhiều cũng đang là những ẩn số lớn.
Các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực tìm hiểu về số lượng và sự phân bố của vi nhựa trong đại dương trên khắp thế giới. "Chúng đến từ đâu, làm thế nào có thể đến đó và kết thúc ở đâu?" Hiểu được những yếu tố này sẽ ước tính được mức độ ảnh hưởng của vi nhựa đến đa dạng sinh học, đồng thời đánh giá được tác động của chu trình carbon và nitơ trong những thập kỷ tới" - Karin Kvale, nhà sáng lập mô hình khí hậu tại GNS Science ở New Zealand cho biết.
Các nhà nghiên cứu gặp khó khăn trong việc đo lường chính xác hạt vi nhựa (Ảnh: Chesapeak Bay Program)
Thỏa thuận quốc tế mang tính bước ngoặt
Bất chấp những lo ngại về ô nhiễm và tác động đến hệ sinh thái, sản lượng nhựa toàn cầu vẫn tăng hàng năm. "Hiện tại, sản xuất nhựa đang tăng theo cấp số nhân, từ 2 triệu tấn năm 1950 lên hơn 400 triệu tấn vào năm 2020 và dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040" - Bergmann cảnh báo.
Vào tháng 3 năm 2022, Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) đã ký một thỏa thuận quốc tế có tính bước ngoặt về mặt pháp lý nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa vào cuối năm 2024. "Điểm nổi bật trong hiệp ước nhựa toàn cầu này là các bên đã cam kết sẽ chịu trách nhiệm về toàn bộ vòng đời của nhựa" - Muffett nói.
Theo các chuyên gia, thỏa thuận này cũng mới chỉ tập trung vào việc giảm tỷ lệ ô nhiễm nhựa thay vì yêu cầu cắt giảm sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán cũng có thể mang lại sự thay đổi lớn trong việc thiết kế và sản xuất các sản phẩm nhựa. "Những cuộc đàm phán xung quanh hiệp ước này có chức năng cảnh báo mạnh mẽ đối với thị trường nhựa toàn cầu" - Muffett nhận định.
Các nhà khoa học cho rằng, đã đến lúc phải đưa Hiệp ước về nhựa của Liên Hợp quốc vào thực thi để giảm thiểu tình trạng gia tăng chất thải nhựa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!