Hiểu rõ mô hình “chăm sóc đa ngành” để điều trị ung thư tốt hơn

pv-Thứ ba, ngày 02/04/2024 13:30 GMT+7

VTV.vn - Hội thảo V-TOP 2024 với chủ đề “Nâng cao chất lượng điều trị ung thư thông qua phối hợp nhóm đa mô thức và đa ngành” vừa diễn ra vào ngày 24/3.

Sự thành công của hội thảo đã một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp đa chuyên khoa, nhiều ngành xã hội trong nỗ lực chung tay giảm gánh nặng điều trị căn bệnh thế kỷ.

Phát triển từ J-TOP (Japan Team Oncology Program) – Mô hình làm việc nhóm trong ung thư của Nhật Bản, V-TOP (Vietnam Team Oncology Program) đã ra mắt tại Việt Nam từ năm 2022 với kỳ vọng kết nối nhiều nguồn lực xã hội cùng hướng về mục tiêu chung vì bệnh nhân ung thư.

Lần này, hội thảo diễn ra theo hai hình thức trực tuyến với chuyên gia ở Mỹ, Nhật Bản và trực tiếp tại 3 điểm cầu ở Việt Nam, gồm Bệnh viện ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế cùng Hệ thống Y khoa Chuyên sâu Quốc tế Bernard (Bernard Healthcare) tại TP.HCM.

Hiểu rõ mô hình “chăm sóc đa ngành” để điều trị ung thư tốt hơn - Ảnh 1.

Thành viên V-TOP 2024 đầu cầu TP.HCM tại Bernard Healthcare

Để người bệnh bớt đau hơn

Các bác sĩ đều hiểu, ung thư là tập hợp của nhiều bệnh lý phức tạp, phải cần điều trị và chăm sóc theo theo nhóm đa mô thức và đa ngành đa ngành. Tín hiệu tốt là hiện nay các nhóm y tế đã được hình thành ở hầu hết các bệnh viện để thực hiện nhiều loại công việc khác nhau phục vụ điều trị.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chỉ rõ việc phối hợp nhóm trong điều trị ung thư có thể gồm hai hoặc nhiều nhóm, với nhiều người, gồm bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ và các nhân viên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác. Tất cả cùng vì mục tiêu chung là cải thiện sức khỏe, chất lượng sống của bệnh nhân. Đặc biệt, bệnh nhân ung thư phải là một thành viên quan trọng của nhóm, được trao quyền và tham gia thảo luận trong suốt quá trình điều trị bệnh.

Chia sẻ kinh nghiệm về "nhóm đa ngành trong quản lý ung thư vú di căn", GS. Naoto T. Ueno - Giám đốc Trung tâm Ung thư Đại học Hawaii (Mỹ) cũng đã đặc biệt nhấn mạnh "Người bệnh sẽ được chăm sóc dựa trên sự phối hợp bởi bác sĩ nội ung thư, bác sĩ ngoại ung thư, bác sĩ xạ ung thư, bác sĩ giải phẫu bệnh, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và các bác sĩ chuyên khoa khác như truyền nhiễm, tim mạch, tiêu hóa…". GS. Naoto T. Ueno cũng đưa ra khái niệm về mô hình ABC trong chăm sóc đa ngành, trong đó cấu thành A (Active) là nhóm đóng vai trò điều trị, chăm sóc tích cực, B (Base) là nhóm đóng vai trò hỗ trợ cơ bản và C (Community) là nhóm đóng vai trò hỗ trợ từ phía cộng đồng.

Hiểu rõ mô hình “chăm sóc đa ngành” để điều trị ung thư tốt hơn - Ảnh 2.

GS. Naoto T. Ueno chia sẻ về "nhóm đa ngành trong quản lý ung thư vú di căn"qua hình thức trực tuyến.

Ba nhóm trên cấu thành với nhau, trong đó bệnh nhân là trung tâm. Việc ứng dụng mô hình phối hợp nhóm đa mô thức và đa ngành không chỉ giúp nâng cao chất lượng điều trị bệnh mà còn giúp quy trình làm việc khoa học hơn, giảm tải gánh nặng cho ngành y tế.

Xây dựng ngành khoa học làm việc nhóm đa ngành về ung thư tại Việt Nam

Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra những tình huống cụ thể dựa trên sự mâu thuẫn thông tin giữa bác sĩ với điều dưỡng, giữa bác sĩ với bệnh nhân… và cùng nhau giải quyết. Trên cơ sở đó, các chuyên gia đã thẳng thắn "mổ xẻ" những bất cập trên thực tế và chỉ rõ nguyên nhân để khắc phục.

"Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn khi làm việc nhóm là thiếu sự phối hợp, đồng thuận giữa các thành viên trong quy trình làm việc. Sâu xa hơn là do kỹ năng giao tiếp và sự khác nhau về vai trò, chức năng của các vị trí". Ý kiến nhận xét từ đầu cầu Bệnh viện Trung ương Huế đã nhận được sự đồng thuận rất cao tại hội thảo.

Hiểu rõ mô hình “chăm sóc đa ngành” để điều trị ung thư tốt hơn - Ảnh 3.

Các thành viên V-TOP đang thảo luận và đưa ra quan điểm dưới góc nhìn của mỗi nhóm ngành, cùng nhau tìm ra tiếng nói chung.

Và để giải quyết tận gốc vấn đề, đầu cầu Hà Nội đề xuất cần hiểu rõ mô hình chăm sóc đa ngành và kỹ năng phối hợp làm việc nhóm bằng cách áp dụng kiến thức của V-TOP vào từng khoa phòng tại cơ sở điều trị. Bên cạnh đó, tăng cường sự tham gia trao đổi chuyên môn giữa các thành viên thuộc chuyên ngành khác nhau. Đặc biệt, bệnh nhân và gia đình cần được trao quyền bằng cách chủ động lắng nghe, tham gia lựa chọn các phương án điều trị. Một ý kiến đáng quan tâm nữa đến từ Bác sĩ Bùi Lê Nhật Tiên (Bernard Healthcare) ở đầu cầu TP.HCM là đề xuất xây dựng bộ quy tắc làm việc chung, trong đó tôn trọng ý kiến của bác sĩ và thành viên nhóm, đồng thời "cần có lịch thảo luận định kỳ giữa bác sĩ và điều dưỡng, cập nhật tiến độ, kết quả điều trị".

TS. BS. Phạm Nguyên Quý, hiện là Giám đốc y tế, Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren (Nhật Bản) - Đồng sáng lập Tổ chức Y học Cộng đồng, cũng cho rằng trao đổi thông tin sẽ giúp phối hợp nhóm hiệu quả hơn. "Khi làm việc nhóm, khó nhất là giữ vững môi trường an toàn về tâm lý, thúc đẩy mọi người phát biểu nhưng vẫn tôn trọng ý kiến khác biệt, sau đó cùng bàn bạc để đi tới đồng thuận chung nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc coi bệnh nhân là trung tâm của quá trình điều trị", ông nhấn mạnh.

Hiểu rõ mô hình “chăm sóc đa ngành” để điều trị ung thư tốt hơn - Ảnh 4.

TS. BS. Phạm Nguyên Quý chia sẻ về những khó khăn khi phối hợp làm việc nhóm.

Theo TS. BS. Phạm Nguyên Quý, sau hội thảo ban tổ chức đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. "Chúng tôi sẽ cùng nhau xây dựng ngành khoa học làm việc nhóm đa ngành về ung thư tại Việt Nam, cùng phát triển mạng lưới hỗ trợ bệnh nhân ung thư, nâng cao chất lượng điều trị bệnh".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước